Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm Giáp Thìn, cộng đồng những người làm khoa học vui mừng đón nhận Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống của nhân loại. Những thay đổi nhanh chóng trên quy mô toàn cầu về nhiều phương diện, nhất là sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… tác động đến các quan hệ quốc tế, gia tăng mức độ cạnh tranh, chạy đua giữa các nước, thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới mới. Bối cảnh này tạo ra thời cơ, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức và nguy cơ tụt hậu của nước ta so với các nước.
Thành phố Đà Nẵng đã chủ động lập kế hoạch, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Đô thị thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển năng động, nhiều đổi mới. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Nhìn lại chặng đường sau gần 40 năm đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã gặt hái được nhiều thành tựu. Việt Nam hiện là điểm sáng trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, với quy mô kinh tế nằm trong top 40 nước hàng đầu thế giới; bình quân thu nhập đầu người 4.700 USD. Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng được nâng cao[1]. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của nước ta phát triển nhanh[2]; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, phát triển chính phủ số, kinh tế số đạt nhiều kết quả tích cực[3].
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức về vai trò, vị trí, cũng như đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của nước ta chưa đúng tầm mức; tốc độ phát triển các lĩnh vực này còn chậm, còn khoảng cách khá xa so với nhóm các nước phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Trong bối cảnh đó, cần có chủ trương, quyết sách mang tính chiến lược và cách mạng, vừa tận dụng được thời cơ và khắc phục được những hạn chế nêu trên, tạo xung lực mới, đột phá đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết ra đời tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, quy mô kinh tế số tối thiểu đạt 30% GDP năm 2030 và ít nhất đạt 50% đến năm 2045; trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Trước thời cơ và vận hội phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh.
Muốn vậy, phải tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân với tinh thần cả hệ thống phải vào cuộc, tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.
Theo tinh thần đó, Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (thay thế Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013), thể chế hóa ngay Nghị quyết 57-NQ/TW.
Bộ Chính trị chỉ đạo rà soát, đánh giá, sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức theo Nghị quyết Trung ương số 45-NQ/TW ngày 24-11-2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Những bước đi này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực, hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, đưa khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong hành trình vươn mình của đất nước, thành phố Đà Nẵng đã chủ động lập kế hoạch, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW, thành phố đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính.
Trong các kế hoạch phát triển, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn…
Đà Nẵng thể hiện vai trò tiên phong chuyển đổi số với việc thúc đẩy các trụ cột chuyển đổi số; đưa vào sử dụng rộng rãi các ứng dụng số hóa; phát triển nhân lực số; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành khung năng lực số của công dân trên địa bàn, tiến tới xây dựng mô hình “công dân số”. Đà Nẵng đã lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất toàn cầu[4]. Nhìn nhiều khía cạnh, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để bứt phá mạnh mẽ trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cần được tận dụng và phát huy để thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW.
Nghị quyết 57-NQ/TW là nghị quyết hành động, được triển khai ngay trong những ngày đầu năm mới 2025 cùng với mùa Xuân và sắc ấm của đất trời. Nghị quyết vạch rõ mục tiêu, định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản, hệ thống; chỉ ra con đường để phát triển đất nước đến phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết mang đến cho cộng đồng khoa học, công nghệ, cộng đồng thực thi chuyển đổi số và doanh nghiệp, người dân làn gió mới mát lành. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết sẽ còn tạo ra cơ hội để mọi người, mọi nhà dấn thân, cống hiến vì sự phồn vinh của dân tộc.
VÕ CÔNG TRÍ
[1] Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện thứ hạng: Năm 2023, chỉ số GCI xếp hạng 65, tăng 12 bậc so với năm 2022; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023 (Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024).
[2] Hiện đứng thứ 3 trong ASEAN.
[3] Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194 nước (báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 21-10-2024)
[4] Đứng thứ 896 toàn cầu và thứ 22 khu vực Đông Nam Á, do nền tảng nghiên cứu đổi mới kinh tế toàn cầu StartupBlink thực hiện năm 2024.