Giải pháp cung cấp dịch vụ công nâng cao

.

Để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các mô hình, giải pháp mới nâng cao hiệu quả trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, theo quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất là mức 4 (toàn trình), có 3 khâu chính là nộp hồ sơ (người dân nộp trực tuyến hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận “Một cửa”), xử lý hồ sơ (cán bộ xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng) và trả kết quả (cơ quan Nhà nước trả kết quả điện tử TTHC cho người dân hoặc trả qua bưu chính công ích).

Thực tế, do nhu cầu và kỹ năng công nghệ thông tin của người dân, việc tham gia nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến ít, vẫn còn công chức phải hỗ trợ người dân, dẫn đến không đủ thời gian xử lý công vụ khác. Hồ sơ TTHC nhiều thành phần, nhiều giấy tờ cũng là yếu tố khiến người dân ít mặn mà và công chức xử lý hồ sơ mất nhiều thời gian. Với việc cơ quan chức năng chỉ dừng ở bước trả kết quả điện tử dẫn đến việc sử dụng kết quả điện tử có hiệu quả chưa cao.

Từ thực tiễn đó, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai một một số mô hình, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả trong các khâu quy trình giải quyết nói trên. Theo đó, nhóm giải pháp 1, tổ chức thêm kênh/hình thức hỗ trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, trong đó bao gồm triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công trực tuyến” hay bưu điện, bưu cục nhận, nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố triển khai 37 bưu cục tại phường, xã hoặc bưu điện văn hóa xã hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến tại khu vực, tránh người dân phải đi xa. Bên cạnh đó, triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân ngay tại khu dân cư.

Nhóm giải pháp 2, triển khai kế thừa dữ liệu số để thay thành phần hồ sơ giấy người dân phải nộp. Từ năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai đưa vào kho kết quả giải quyết TTHC thành phố, một hợp phần của hệ thống giải quyết TTHC để các cơ quan thực hiện. Kho kết quả TTHC số giúp các cơ quan rà soát, bỏ một số TTHC đối với các TTHC cấp lại, vừa giảm áp lực xử lý TTHC cho các cơ quan hành chính, vừa tạo thuận lợi cho người dân. Cùng với đó, hình thành các cơ sở dữ liệu số hoặc kết nối với các cơ sở dữ liệu để các cơ quan sử dụng, thay thế thành phần hồ sơ giấy, đặc biệt là giúp người dân hạn chế đến nộp trực tiếp, áp dụng cho khoảng 17% TTHC có liên quan.

Nhóm giải pháp 3, triển khai gắn mã QR (số) trên kết quả TTHC, đặc biệt là đối với kết quả TTHC cấp phép (cần xuất trình, kiểm tra, giám sát). Khi đó, người dân dùng kết quả trên điện thoại di động để giao dịch, xuất trình thay vì phải đi công chứng nhiều bản, mang theo thường xuyên trên người. Cán bộ, công chức kiểm tra chỉ cần dùng App trên điện thoại để quét xác thực, kiểm tra; đồng thời thông tin kiểm tra được lưu vết trên hệ thống để các cơ quan giám sát việc thực thi công vụ, đi hiện trường của cán bộ, công chức mình. Kể từ khi đưa vào áp dụng vào cuối năm 2023 đến tháng 9-2024, đã có 40.888 kết quả TTHC được gắn mã QR số. Đặc biệt, với việc gắn mã QR, ngành giao thông vận tải cấp 28.666 giấy phép (cấp mới, cấp lại phù hiệu xe kinh doanh vận tải: 23.557; cấp phép phương tiện vào đường cấm: 2.829...) có gắn QR số.

Theo ông Thạch, hiện nay cách tiếp cận của thành phố không chỉ triển khai kiểm tra, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với TTHC các sở, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã (cơ quan hành chính nhà nước), mà kiểm soát, cung cấp trực tuyến cho các dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. TTHC các cơ quan hành chính Nhà nước và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp thành phố đã cung cấp trên cổng dịch vụ công thành phố. Đối với dịch vụ của các doanh nghiệp, thành phố xây dựng cổng đăng nhập xác thực tập trung SSO Gateway, chia sẻ tài khoản và dữ liệu điện tử cho doanh nghiệp phục vụ cung cấp và sử dụng mọi dịch vụ toàn xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.

Thành phố cho phép cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân có thể đăng nhập, sử dụng tất cả các dịch vụ được cung cấp trên các hệ thống thông tin, nền tảng số của thành phố bằng tài khoản VNeID mà không phải đăng ký tài khoản mới như cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công thành phố Đà Nẵng, cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương khác, nền tảng công dân số Đà Nẵng, Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng,…

Đồng thời, dữ liệu, tài liệu số của người dân khi đã được gắn mã định danh VNeID sẽ được chia sẻ, kế thừa, sử dụng lại dễ dàng hơn, qua đó giúp đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. “Việc này không chỉ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mà còn lan tỏa cho triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn xã hội, thúc đẩy sử dụng kết quả TTHC số trên toàn địa bàn, cả khu vực công và khu vực tư”, ông Thạch cho hay.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho biết, lãnh đạo UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, nghiên cứu nhân rộng các mô hình, giải pháp mới về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số để đề xuất triển khai trên thực tế mang lại sự hài lòng của tổ chức công dân. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ triển khai xây dựng và phát hành “Cẩm nang chia sẻ các sáng kiến, mô hình, giải pháp trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, trong đó mô hình giải pháp cung cấp dịch vụ công nâng cao của Sở Thông tin và Truyền thông là sáng kiến tiêu biểu.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.