ĐNO - Sáng 17-2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG |
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng hiện nay dự thảo nghị quyết mới đề cập đến chi tiêu tài chính từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số là quá hẹp và chưa đề cập đến việc tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ và lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Do đó, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc nhằm thu hút nhanh chóng, mạnh mẽ các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, đại biểu đề nghị sửa lại đoạn đầu của Điều 1 là: “Nghị quyết này quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia từ nguồn ngân sách, ngoài ngân sách và các nguồn lực hợp pháp khác…”.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực.
Bởi lẽ trong dự thảo mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách tại Khoản 2 Điều 19 của dự thảo nghị quyết mà chưa có quy định miễn trừ trách nhiệm cho người tổ chức thực hiện chính sách như đã nêu ở trên.
Theo đại biểu, theo quy định tại Điều 17 của dự thảo nghị quyết, mặc dù thời điểm nhà máy chế tạo bán dẫn đi vào sản xuất trước ngày 31-12-2028 thì chính sách hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư mới được áp dụng nhằm tạo áp lực và động lực cho doanh nghiệp về đích sớm 2 năm là một ý tưởng tốt.
Tuy nhiên, đối với việc xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn đầu tiên của Việt Nam mà với thời hạn như thế này là khá khó thực hiện và mức hỗ trợ 30% là chưa đủ hấp dẫn.
Do đó, đề nghị quy định doanh nghiệp Việt Nam được chọn một trong hai trường hợp sau: Doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án sẽ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết ngày 31-12-2030 và được hỗ trợ theo các mốc thời gian: 30% vào năm 2030, tăng lên 10% nếu rút ngắn được 1 năm, hỗ trợ 40% vào năm 2029, hỗ trợ 50% vào năm 2028.
Doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư dự án và cho phép doanh nghiệp được phép trích quỹ cao hơn 10% (theo quy định hiện hành) trong một số năm để đầu tư nhà máy với thời hạn nhà máy đi vào sản xuất trước ngày 31-12-2030.
VŨ HƯNG - AN NHIÊN