Đà Nẵng thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái hợp tác sâu rộng với các đối tác ASEAN

.

Trong hai phiên thảo luận của sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025” do UBND thành phố phối hợp với Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) tổ chức chiều 9-4, đại biểu từ các nước ASEAN chia sẻ những đề xuất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - xã hội giữa các nước ASEAN với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Các đại biểu tham dự sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025”. Ảnh: M.QUẾ - X.HẬU - Q.CƯỜNG
Các đại biểu tham dự sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025”. Ảnh: M.QUẾ - X.HẬU - Q.CƯỜNG

Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư

Tại phiên thảo luận về chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế, thương mại và đầu tư giữa Đà Nẵng và các đối tác”, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya đánh giá cao mối quan hệ hợp tác ngày càng thắt chặt giữa Đà Nẵng và các địa phương Thái Lan.

Đà Nẵng nằm ở vị trị chiến lược trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) từ Khon Kaen (Thái Lan) qua Lào, đến cảng Đà Nẵng rất thuận lợi. Điều này giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm về kết nối giao thương, thương mại của khu vực.

Cơ sở hạ tầng của thành phố được xây dựng hoàn chỉnh với sân bay quốc tế, các cảng biển, đây là những tiềm năng để phát triển thương mại hàng hải và logistics. Các địa phương Thái Lan rất mong muốn được hợp tác với Đà Nẵng để thúc đẩy phát triển, cùng nhau khai thác hiệu quả EWEC. Những doanh nghiệp hàng đầu tại Thái Lan đều mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.

Ông Sidharto R. Suryodipuro, Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN (Bộ Ngoại giao Indonesia),  đánh giá du lịch Đà Nẵng phát triển rất mạnh, là điểm đến yêu thích của người dân Indonesia. Năm 2024, có 42.000 du khách Indonesia đến Đà Nẵng, điều này được thúc đẩy nhiều hơn thông qua việc kết nối các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Ông Sidharto R. Suryodipuro tin tưởng Đà Nẵng và Indonesia sẽ tiếp tục hợp tác du lịch mạnh mẽ, đồng thời mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác như thương mại, công nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, trong nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và bền vững tại Việt Nam thông qua các giải pháp: áp dụng mô hình “chính quyền điện tử - chính quyền số” hỗ trợ nhà đầu tư, rút gọn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao đang được đầu tư hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kết nối với các cơ sở giáo dục - đào tạo và chương trình thực tập tại chỗ. Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ thí điểm triển khai khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu và hình thành trung tâm tài chính khu vực.

Thành phố Đà Nẵng đã xác định mục tiêu trở thành: trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ASEAN; thành phố quốc tế, thông minh, sinh thái và đáng sống; trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, logistics và tài chính của khu vực. Với định hướng trên, Đà Nẵng đặc biệt coi trọng hợp tác với các đối tác trong ASEAN, không chỉ về thương mại và đầu tư, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, môi trường và phát triển bền vững. Đà Nẵng cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, từ tiếp cận thông tin đến giải quyết vướng mắc trong thực tế; bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng và ổn định lâu dài, lấy sự hài lòng của nhà đầu tư làm thước đo cho hiệu quả quản trị.

Phát huy thế mạnh du lịch của ASEAN và Đà Nẵng

Ủng hộ 10.000 USD để Myanmar khắc phục hậu quả động đất
Trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân, đất nước Myanmar và Thái Lan về những thiệt hại nặng nề trong trận động đất xảy ra vào ngày 28-3 vừa qua. UBND thành phố trao tặng số tiền 10.000 USD, Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng trao tặng 75 triệu đồng cho đại diện Myanmar để ủng hộ nhân dân nước này khắc phục hậu quả động đất.
Cũng tại sự kiện, đại diện Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Malaysia và Hiệp hội Lữ hành vùng Calabarzon (Philippines).

Trong phiên thảo luận về “Hợp tác xúc tiến du lịch ASEAN - Đà Nẵng”, đại diện cơ quan ngoại giao các nước ASEAN chia sẻ nhiều cơ hội kết nối để thúc đẩy du lịch, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.

Bà Milena Maria da Costa Rangel, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đông Timor đánh giá, Đà Nẵng là điểm đến du lịch, lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách từ Đông Timor.

Đà Nẵng được xem là mô hình phát triển du lịch với nhiều sáng kiến hay. Do đó, Đông Timor muốn kết nối để học hỏi và phát triển các cách làm của Đà Nẵng hợp tác trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trong khi đó, ông Soe Ko Ko, Đại biện lâm thời Myanmar tại Việt Nam cho biết, ngày 2-4 vừa qua, hãng hàng không Myanmar Airways International khai trương đường bay từ Yangon (Myanmar) đến Đà Nẵng. Đây là cơ hội tăng cường hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương, đối tác Myanmar trong thời gian đến, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. 

Tương tự, ông Meynardo LB. Montealegre, Đại sứ Philippines tại Việt Nam cho biết, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã trở thành một trong những điểm đến quen thuộc của du khách  Philippines. Đặc biệt vào cuối năm 2023, hãng hàng không Cebu Pacific Air đưa vào khai thác thường kỳ đường bay Manila (Philippines) - Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/1 tuần. Hiện Philippines mong muốn phát triển thêm tần suất chuyến bay để thúc đẩy du lịch giữa hai nước.

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin, ASEAN là một trong những thị trường quốc tế trọng điểm của du lịch Đà Nẵng. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến và liên kết tại thị trường này thông qua ký kết hợp tác về du lịch với 5 địa phương trong khu vực ASEAN và giữa Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam với Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam. Đà Nẵng cũng đóng vai trò quan trọng trong kết nối, thu hút khách du lịch đến khu vực ASEAN với vị trí cửa ngõ đường hàng không, đường biển, đường bộ, là điểm cuối của EWEC nối liền các nước trong khu vực.

Thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai các chính sách liên kết, hợp tác giữa Đà Nẵng với các nước ASEAN; phát triển sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tăng cường hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch và trao đổi nguồn khách; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Malaysia.  Ảnh: M.QUẾ - X.HẬU - Q.CƯỜNG
Đại diện Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Malaysia. Ảnh: M.QUẾ - X.HẬU - Q.CƯỜNG

Đà Nẵng mong muốn hợp tác sâu rộng với ASEAN

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, trải qua ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố sự gắn kết và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh trên, Đà Nẵng có nhiều cơ hội thuận lợi để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác ASEAN. Đà Nẵng được định vị là cực tăng trưởng và cực hội nhập quốc tế của khu vực miền Trung Việt Nam.

Với hệ thống hạ tầng hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn, Đà Nẵng không chỉ là cửa ngõ giao thương chiến lược mà còn là điểm đến của các sự kiện toàn cầu, nơi kết nối các dòng chảy kinh tế, văn hóa và tri thức trong khu vực. Trên bình diện song phương, đến hiện tại, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 50 địa phương trên thế giới, trong đó có 9 địa phương của các nước thành viên ASEAN.

Đà Nẵng xây dựng và triển khai đề án Hội nhập và Hợp tác quốc tế đến năm 2030; thành phố đang triển khai xây dựng khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực, cùng nhiều lĩnh vực chiến lược như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng mong muốn xây dựng một hệ sinh thái hợp tác sâu rộng với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong khu vực, dựa trên niềm tin vững chắc, lợi ích hài hòa và tầm nhìn dài hạn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá cao sáng kiến của UBND thành phố Đà Nẵng về tổ chức sự kiện để gia tăng kết nối, hợp tác Đà Nẵng với ASEAN. Sự kiện diễn ra vào thời điểm vô cùng ý nghĩa khi năm 2025 đánh dấu 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. “Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025” là một sự kiện thiết thực, thể hiện vai trò thành viên của Việt Nam trong ASEAN với sự chủ động, sáng tạo và hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa cho Cộng đồng ASEAN.

Thời gian qua, ASEAN luôn khẳng định vị thế là mô hình hợp tác khu vực thành công trên thế giới, giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển. Với dân số gần 700 triệu người và GDP gần 4.000 tỷ USD, ASEAN là thị trường giàu tiềm năng, với đà tăng trưởng tích cực, hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới và dự báo vươn lên thứ 4 vào năm 2030.

Trong 30 năm hội nhập, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với Đà Nẵng là động lực, trọng điểm của khu vực và cả nước. Đà Nẵng đang khẳng định thương hiệu của một thành phố đáng sống, văn minh, năng động, sáng tạo, thân thiện. Thành phố hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi riêng có để phát triển thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế quan trọng giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng như các nước đối tác.

M.QUẾ - X.HẬU - Q.CƯỜNG

;
;
.
.
.
.