Vàng ươm, giòn rụm với bánh căn Đà Nẵng

.

ĐNO - Trong vô vàn các món ăn dân dã của miền Trung, bánh căn luôn là món ăn hấp dẫn đủ để "gây nghiện" cho người dân địa phương và cả những ai khi đến Đà Nẵng. Cũng là những chiếc bánh nhỏ được làm từ bột gạo, có hình tròn, song, so với bánh cùng loại ở Nha Trang và Đà Lạt thì bánh căn Đà Nẵng có một nét riêng khác biệt từ cách ăn cho đến hình thức.

Bánh căn Đà Nẵng với màu vàng ươm và độ giòn đặc trưng.
Bánh căn Đà Nẵng với màu vàng ươm và độ giòn đặc trưng.

Ngày trước, ở Đà Nẵng, phải đến mùa lạnh, người ta mới bán bánh căn vì món ăn này khá nóng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhằm phục vụ nhu cầu của thực khách, đa phần các quán bánh căn ở Đà Nẵng bán quanh năm và thường bán vào chiều tối.

Vốn là món ăn dân dã nên cách làm bánh cũng khá đơn giản. Bột để đổ bánh chỉ đơn giản là bột gạo hòa với nước lọc, thêm chút bột nghệ để khi bánh chín có màu vàng đẹp mắt. Bánh căn thường có nhân trứng và đặc biệt là chỉ dùng trứng cút. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đa dạng món ăn của nhiều người và để làm mới món ăn truyền thông, người bán còn làm thêm nhân tôm, thịt bò, các loại hải sản,…Bánh căn sẽ hấp dẫn ngon miệng hơn khi ăn cùng với đồ chua được làm từ đu đủ, cà rốt bào sợi; nước mắm tỏi ớt và rau sống, thường gồm: xà lách, diếp cá, cải con,… 

Thông thường, bánh căn được bày ra dĩa với lớp dưới cùng là rau sống, tiếp đó là đồ chua được bày trí ngay ở chính giữa rồi bánh căn được xếp xung quanh. Nhưng cũng có quán phục vụ rau sống và đồ chua thành một dĩa riêng. Khi ăn, có người thích rưới nước mắm trực tiếp lên bánh căn, rau sống;có người thì gắp từng cái bánh, kèm chút rau sống, chút đồ chua rồi chấm vào chén nước mắm.

Một phần bánh căn Đà Nẵng với đầy đủ bánh căn, rau sống, đồ chua và nước mắm tỏi ớt
Một phần bánh căn Đà Nẵng với đầy đủ bánh, rau sống, đồ chua và nước mắm tỏi ớt.

Nếu bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt, khi đổ bánh gần như không dùng đến dầu ăn thì bánh căn Đà Nẵng lại được chiên ngập dầu. Và đây là điểm khác biệt lớn nhất để tạo nên cái riêng của món ăn này tại Đà Nẵng. Điều này giải thích cho việc tại sao bánh căn Đà Nẵng lại giòn rụm, có màu vàng ươm còn bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt thì đặt ruột hơn, mềm chứ không giòn và thường có màu trắng tinh của bột gạo.

Bánh căn Đà Nẵng được chiên ngập trong dầu.
Bánh căn Đà Nẵng được chiên ngập trong dầu.

Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có sự khác biệt về nước chấm và rau ăn kèm với món bánh này. Nếu bánh căn Đà Nẵng ăn kèm nước mắm chua ngọt được làm từ tỏi, ớt, thêm chút nước cốt chanh, chút đường cùng rau sống, đồ chua thì bánh căn ở Nha Trang, Đà Lạt, ngoài rau sống, nước mắm chua ngọt ra thì còn ăn kèm xoài xanh, nước mắm còn có thể có thêm xíu mại; còn kèm thêm mắm nêm để khách lựa chọn.

Một phần bánh căn Nha Trang.
Một phần bánh căn Nha Trang.

Theo chia sẻ của những người gốc Nha Trang thì bánh căn Nha Trang truyền thống chỉ ăn kèm với nước mắm chua ngọt và xoài. Bánh căn thì cũng chỉ được đổ từ bột gạo, ai thích thì mới cho thêm trứng. Ngoài ra, không cho thêm một nguyên liệu nào khác vào bánh.

Một số địa điểm bán bánh căn Đà Nẵng có tiếng như: Bánh căn Loan Nguyễn (274 Hải Phòng), Bánh căn Theo Mùa (5 Võ Văn Tần), Bánh căn Đà Nẵng (47 Đỗ Quang), Bánh căn Thúy (154 Huỳnh Thúc Kháng), Bánh căn Đà Nẵng (33 Tôn Đản), Bánh căn Thanh Vân (250 Ngô Thì Nhậm)…Và nếu thực khách nào muốn thưởng thức bánh căn Nha Trang, Đà Lạt thì có thể ghé đến: Boom Đỗ (464/8 Trưng Nữ Vương), Bánh căn Đà Lạt (217 Tiểu La), Bánh căn Nha Trang Dì ÚT (Kiệt 31/5 Mẹ Nhu),…

Trung bình một dĩa bánh căn Đà Nẵng có giá khoảng 10.000 đồng đến 20.000 đồng, bánh căn ở Nha Trang, Đà Lạt thì có giá khoảng 30.000 đồng.

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.