ĐNO - Ẩm thực Huế nức tiếng từ lâu với nhiều món ăn ngon, rẻ, đa dạng và có sức phổ biến đến nhiều vùng miền. Ở Đà Nẵng, món bánh Huế đã trở thành thức quà vặt quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của nhiều người, có thể kể đến là bánh bèo và bánh ép.
Bánh bèo chén xứ Huế. |
Nếu như bánh bèo Quảng Nam, bánh bèo Đà Nẵng có lát bánh lớn, hơi dày với nhân bánh sền sệt làm từ nấm hương, thịt, tôm khô... đúng theo "phong cách" xứ Quảng, thì bánh bèo Huế có phần đơn giản hơn, "mỏng manh" hơn.
Nhắc tới bánh bèo Huế là nhắc tới chén bánh bèo bé xíu, tí hon nằm lọt thỏm trong bàn tay. Món bánh này có sự tinh tế, nhẹ nhàng của ẩm thực Huế với lát bánh mỏng, điểm xuyết chút ruốc tôm, bánh mì chiên giòn cắt hạt lựu bên trên. Bánh thường được bán theo mâm từ 10-15 chén.
Bánh bèo Huế ngon nhất khi được ăn với nước mắm pha hài hòa giữa cay, mặn, ngọt. Có thể ăn kèm với nem, chả. |
Khi thưởng thức, chỉ cần rưới chút nước mắm pha vừa cay vừa ngọt. Ai thích cay hơn có thể dằm thêm xíu ớt để đẩy đưa hương vị. Do bánh nhỏ, có khi chỉ sau 1-2 muỗng xắn nhẹ lát bánh mỏng tang thì chén bánh đã... sạch bóng. Những chén bánh sau khi ăn xong được xếp thành chồng, nhìn vui mắt.
Bánh bèo Huế thể hiện đúng phong cách ẩm thực xứ Cố đô, món bánh ăn "lấy hương, lấy hoa", không cầu no bụng. Ăn xong không thấy no, chỉ thấy lưng lửng, thích hợp cho bữa ăn vặt xế chiều. Món này thường được bán kèm các món khác đặc trưng của Huế như bánh lọc lá, bánh nậm và nem chả.
Từng lát bánh bèo nhỏ nhẹ, tí hon, điểm thêm chút nhân ruốc tôm và bánh mì chiên giòn. |
Ở Đà Nẵng, một mâm bánh thường được bán với giá 10.000-20.000 đồng, phổ biến ở các món bán đồ ăn Huế. Có thể kể đến một số quán nổi tiếng như quán Vân (13A Thanh Tịnh, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), bánh bèo Huế và cháo trắng ở 55B Nguyễn Chí Thanh (phường Thạch Thang, quận Hải Châu)...
Bánh ép nhân tôm thịt. |
Khác với vẻ bề ngoài mỏng manh, nhẹ nhàng và có phần "cung đình" của bánh bèo, bánh ép Huế lại có gì đó mộc mạc, giản dị hơn. Miếng bánh cũng không tròn vẹn, không mịn màng, thế nhưng bánh ép lại thu hút thực khách bởi chính sự chân chất đó.
Bánh ép được làm bằng bột lọc, kèm nhân như tôm, thịt, pa-tê, hành lá... Khi đổ bánh, người bán đợi khuôn thiệt nóng trên bếp than hồng, thoa lên khuôn một chút dầu ăn rồi đổ bột vào khuôn, sau đó dùng hai tay ép khuôn thiệt chặt và trở đều khuôn để bánh chín đều. Cái tên "bánh ép" cũng ra đời từ đây.
Miếng bánh ép có phần "xấu xí" nhưng lại là món ngon bình dân của nhiều người. |
Bánh ép có hai loại dẻo và giòn, tùy sở thích mỗi người. Khi ăn, chỉ việc xé nhỏ miếng bánh hoặc để nguyên tùy ý, trải thêm một chút rau thơm, dưa leo, tré, đồ dầm chua vào bánh rồi cuộn lại, chấm với nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm. Cắn một miếng, có thể cảm nhận được vị béo béo dai dai của bột lọc và trứng hòa quyện với vị thơm của pa-tê, vị ngọt của nhân tôm, thịt... và cái giòn giòn của đồ dầm chua ăn kèm.
Miếng bánh ép mộc mạc gợi lại ký ức về ẩm thực đường phố ở Huế. |
Nước chấm là thành phần không thể thiếu của bánh ép, bánh ép ngon hay không thì phụ thuộc vào bàn tay của người pha nước chấm. Chén nước chấm đúng điệu phải có sự hòa quyện các vị, chua, cay, ngọt. Ăn bánh ép ngon nhất là trời mưa. Ngồi bên lò bánh ép, nghe tiếng ép bánh xèo xèo, cắn miếng bánh giòn tan trong miệng thật sự hấp dẫn.
Miếng bánh ép thơm mùi nhân tôm, thịt và hành lá. |
Ở Đà Nẵng, có 2 quán bánh ép thường được mọi người nhớ đến là bánh ép Khánh (số 310 Hải Phòng, phường Tân Chính, quận Thanh Khê) và bánh ép Huế (18 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Giá món ăn này cũng khá rẻ, chỉ từ 12.000 đồng/đĩa.
HUYỀN TRÂM - T. KỲ (thực hiện)