Sở Du lịch vừa ban hành Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, bao gồm 5 phụ lục về tiêu chí phục vụ khách hàng của nhân viên lễ tân đến nhân viên bảo vệ, buồng phòng...
Chuyên nghiệp và văn minh là mục đích của những bộ tiêu chí và bộ quy tắc ứng xử trong du lịch. Trong ảnh: Khách sạn Novotel Danang Premier Han River chào đón đội tuyển Nga tham dự Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2019 (Ảnh: Global 2000) |
Trước đó, vào tháng 5, Sở cũng đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề và ứng xử của hướng dẫn viên (HDV) du lịch hoạt động trên địa bàn thành phố. Các nội dung này nhằm xây dựng và nâng cao ý thức, tính chuyên nghiệp cho người làm dịch vụ du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Có thể nói, để tạo ấn tượng tốt cho du khách, ngoài việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Buổi tối, chị Lý Mỹ Linh, nhân viên lễ tân khách sạn Sheraton Grand Danang Resort (quận Ngũ Hành Sơn) tiếp bà Felix Thackray, đến từ Bulgari.
Bà muốn tìm hiểu một số địa điểm trên địa bàn thành phố trong thời gian lưu trú. Vậy là chị Linh liền gợi ý cho bà một số địa điểm như Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Sun World Bà Nà Hills… Chị Linh cũng giới thiệu phương tiện di chuyển như xích lô, taxi… và một số nhà hàng, quán ăn để vị khách dễ lựa chọn. Bà Felix Thackray chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố và con người khi đặt chân từ sân bay đến bây giờ đều rất tốt. Chất lượng lưu trú của khách sạn cũng được tôi đánh giá cao, nhân viên nhiệt tình và hiếu khách. Tôi dự định tham quan Đà Nẵng trong 4 ngày”.
Anh Ngô Quang Quý, một HDV du lịch tiếng Trung chia sẻ, đã là một HDV thì việc giao tiếp niềm nở, thân thiện và lịch sự là yêu cầu bắt buộc. Chúng tôi thường xuyên được Chi hội HDV du lịch Đà Nẵng phổ biến những quy tắc về ứng xử với du khách. Nói “xin chào” và “cảm ơn” cùng với nụ cười luôn là điều mà chúng tôi thực hiện mỗi ngày.
Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng) cho hay, việc xây dựng thói quen ứng xử văn minh với du khách đã được thành phố triển khai từ lâu và lần này triển khai sâu rộng hơn. Cụ thể, từ năm 2016, Sở Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Nội dung được hình ảnh hóa một cách màu sắc, sinh động với 13 nội dung về những điều nên và không nên làm khi du lịch Đà Nẵng. Ngoài ra, các video quy tắc ứng xử văn minh được phát ở những nơi công cộng như: điểm du lịch, sân bay, nhà ga… Các bộ quy tắc được in trong các tập gấp nhỏ gọn, dễ dàng mang theo với 4 ngôn ngữ Việt – Anh – Trung – Hàn và phát cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, các điểm tham quan trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch còn được lồng ghép trong các ấn phẩm du lịch của doanh nghiệp lữ hành để cung cấp cho du khách.
Ông Huỳnh Đức Trung chia sẻ thêm, Sở Du lịch thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch, kỹ năng giao tiếp cho cộng đồng tại các điểm du lịch, nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên ô-tô vận chuyển khách du lịch, lái xe xích lô.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, để những bộ quy tắc và bộ tiêu chí đi vào cuộc sống, phải tiến hành lâu dài bằng cách thường xuyên tuyên truyền, lâu dần sẽ tạo thành thói quen, tạo nên một môi trường du lịch văn minh và chuyên nghiệp hơn. Thời gian tới, Sở sẽ xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp đối với các sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Sở Du lịch đã tham mưu cấp 1.398 thẻ hướng dẫn viên, nâng tổng số hướng dẫn viên trên địa bàn thành phố lên 4.511; có 871 cơ sở lưu trú với 38.593 phòng, tăng 119 cơ sở với 4.767 phòng so với cùng kỳ năm 2018.(Nguồn: Sở Du lịch) |
Bài và ảnh: MAI QUẾ