Hàng nghìn lượt khách đến Hải Vân quan trong ngày đầu mở cửa

.

Sau hơn hai năm rưỡi trùng tu, di tích lịch sử cấp quốc gia Hải Vân quan chính thức mở cửa, đón du khách tham quan miễn phí từ ngày 1-8-2024. Trong ngày đầu mở cửa, hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài nước đến di tích này để thưởng lãm công trình, check-in, ngắm nhìn sự hùng vĩ của “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Du khách tham quan Hải Vân quan trong ngày đầu mở cửa (1-8-2024) sau thời gian trùng tu. Ảnh: BẢO LÂM
Du khách tham quan Hải Vân quan trong ngày đầu mở cửa (1-8-2024) sau thời gian trùng tu. Ảnh: BẢO LÂM

Công trình rất đẹp, hoành tráng

Thời tiết ngày 1-8 nắng nóng, song cũng không ngăn được bước dòng người dừng chân, đến chiêm ngưỡng di tích Hải Vân quan ngày đầu mở cửa. Từ sáng đến trưa, bên trong khu di tích luôn có hàng trăm người nối đuôi nhau vào tham quan, check-in. Theo ghi nhận, hầu hết khách tham quan đều phấn khởi, bất ngờ trước sự hoành tráng, quy mô của khu di tích Hải Vân quan. Nhiều người không ngần ngại leo lên điểm cao nhất của di tích để ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên hai bên đèo Hải Vân.

Cùng nhóm bạn tình cờ đi ngang qua Hải Vân quan ngày đầu mở của, anh Manuel (du khách Tây Ban Nha) bày tỏ thích thú trước sự hùng vĩ, vẻ đẹp công trình và cảnh đẹp đèo Hải Vân; khẳng định đây là một điểm tham quan tuyệt vời, nhất định phải kể cho bạn bè trong chuyến du lịch tại Việt Nam. Chung cảm xúc, chị Thu Hương (du khách Hà Nội) cho biết, chị cảm thấy rất may mắn khi là một trong những người đầu tiên được tham quan di tích Hải Vân quan sau thời gian dài trùng tu. “Công trình rất đẹp, hoành tráng. Thật khó tả khi được đứng ngắm cảnh ở “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Có dịp đến đây mới thấy được phong cảnh đất nước Việt Nam mình đẹp đến nhường nào. Với tầm nhìn rộng, bao quát, đứng ở đây, du khách vừa nhìn thấy đèo Hải Vân hùng vĩ, quanh co uốn lượn, vừa nhìn thấy vịnh Đà Nẵng đẹp như tranh vẽ”, chị Hương chia sẻ.

Di tích Hải Vân quan hoàn thành trùng tu, mở cửa đón khách là niềm vui rất lớn với người dân Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Từ nhiều năm nay, di tích này luôn là điểm dừng chân lý tưởng nhất trên chặng đường từ Huế vào Đà Nẵng và ngược lại, đặc biệt là với những người dân thường xuyên đi lại giữa hai địa phương. Chị Đào Thị Trang Nhung (quận Sơn Trà) cho hay, công việc của chị thuộc ngành du lịch nên thường xuyên di chuyển qua lại giữa Huế và Đà Nẵng. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cảnh đẹp cũng như bề dày lịch sử, Hải Vân quan là một địa điểm nhận được rất nhiều sự quan tâm, mong muốn ghé thăm của du khách. Chị Nhung nhận định, thời gian tới, Hải Vân quan sẽ là một địa điểm nằm trong top đầu những nơi đáng đến của Đà Nẵng và Huế. Trong khi đó, bà Trương Thị Mỹ Dung (tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Biết Hải Vân quan mở cửa đón khách, tôi cùng gia đình, bạn bè thuê xe đi đến đây tham quan. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là công trình này rất hoành tráng, như một tòa thành nhỏ. Bên cạnh đó là cảm xúc hạnh phúc khi thấy công trình được hai địa phương quan tâm, trùng tu khang trang, sạch đẹp. Tôi tin rằng, trong tương lai, hai địa phương sẽ tiếp tục chung tay, làm phong phú thêm các tiện ích, hoạt động ở đây để đưa Hải Vân quan trở thành một địa điểm văn hóa, du lịch hấp dẫn”, bà Dung bày tỏ.

Phát huy tối đa giá trị Hải Vân quan

Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan khởi công từ tháng 12-2021 với kinh phí 42 tỷ đồng, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng thực hiện. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng của hai địa phương. Đến nay, việc trùng tu di tích cơ bản bảo đảm phục hồi, tu bổ lại một số hạng mục công trình gốc của di tích như: cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cổng Hải Vân quan, nhà trú sở, hệ thống tường thành… Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Văn Tuấn, đơn vị dựa trên các tư liệu khảo cổ để xây dựng phương án trùng tu phù hợp đối với các hạng mục công trình. Vật liệu ở đây chủ yếu là gạch đá. Trong quá trình trùng tu, lực lượng làm nhiệm vụ tích cực tìm kiếm những vật liệu này ở các địa phương lân cận để hài hòa đồng nhất về tổng thể, tuân thủ nguyên tắc bảo quản tu bổ di tích. “Di tích Hải Vân quan sẽ mở cửa miễn phí đến khi hai địa phương thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp. Thời gian này, các bên cũng tiếp thu ý kiến của cộng đồng để hoàn chỉnh phương án, hoàn thiện các thiết chế dịch vụ bảo đảm an toàn cho du khách”, ông Tuấn nói.

Giai đoạn đầu phục vụ du khách, di tích Hải Vân quan vẫn còn thiếu một số hạ tầng như: bãi đỗ xe, điểm bán vé, bán hàng lưu niệm, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ. Tại các lối đi được trang bị thùng rác nhỏ, bảng chỉ dẫn để phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, bên trong nhà trú sở đã hoàn thành và treo các bảng hình ảnh, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, hai địa phương đã thành lập tổ bảo vệ với nhân lực một nửa là người Đà Nẵng, nửa còn lại người Huế, chia làm 2 ca trực 24/24 giờ tại Hải Vân quan. Trong tương lai, hai địa phương sẽ xây dựng một ban quản lý để thực hiện công tác quản lý, khai thác di tích. Bên cạnh đó, thực hiện gắn mã QR tại từng hạng mục để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu công trình của người dân, du khách. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động gắn liền với Hải Vân quan để lan tỏa danh thắng đặc biệt này.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Phạm Tấn Xử, công trình tu bổ, phục hồi Hải Vân quan được thực hiện theo đúng nguyên tắc trùng tu di tích, bảo đảm khôi phục nguyên trạng lịch sử, cũng như yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật. Đà Nẵng cũng như Thừa Thiên Huế xác định, đây là di tích quốc gia chứ không phải của hai địa phương. Vì vậy, công tác tu bổ, phục hồi được tiến hành với tinh thần đoàn kết và thể hiện được vị trí, vai trò của Hải Vân quan - một nơi án ngữ trước đây của ông cha ta để lại. “Ngành văn hóa hai địa phương sẽ tiếp tục có sự phối hợp để khai thác, phát huy giá trị của di tích này, bảo tồn công trình trường tồn với thời gian. Ngoài ra, hai địa phương cũng sẽ có những phương án phù hợp, tối ưu về một số hạ tầng còn thiếu, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch để góp phần phát huy công trình, thu hút du khách đến tham quan”, ông Xử cho hay.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.