.

Khám phá "Sơn kỳ thủy tú" ở Ngũ Hành Sơn

.

ĐNĐT - Với hệ thống hang động, những ngôi chùa cổ cùng làng nghề truyền thống, danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm dừng chân hấp dẫn trên hành trình khám phá di sản miền Trung.

Từ ngọn Thủy Sơn có thể nhìn rõ một góc Ngũ Hành Sơn. (ảnh tư liệu)
Từ ngọn Thủy Sơn có thể nhìn rõ một góc Ngũ Hành Sơn. (Ảnh tư liệu)

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc.

Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong.

Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất, kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai), đây cũng là nơi tập trung nhiều hang động chùa chiền nhất. Ngũ Hành Sơn nằm ngay trên tuyến đường Đà Nẵng-Hội An, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Nhìn từ những đỉnh cao như Hải Vân, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn giống như một khu “non bộ thiên tạo khổng lồ” nổi lên ngay giữa lòng thành phố, là một tặng phẩm vô cùng quý giá của thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Cũng tại đây, các dấu ấn văn hóa  -lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chăm của thế kỷ XIV, XV, những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động.

Thổ Sơn

Là một trong 5 cụm núi Ngũ Hành Sơn, nằm ở phía Tây Bắc danh thắng Ngũ Hành Sơn, tên dân gian thường gọi là núi đá Chồng, núi Ghềnh. Đây là ngọn núi đất, thấp nhất nhưng cũng dài nhất, trông như con rồng nằm dài trên bãi cát. Thân núi có một lớp màu cỏ mỏng bao phủ để lộ nhiều chỗ màu đất sét đỏ, trên núi có nhiều gạch cổ, dấu tích của kiến trúc Chăm do người Chămpa để lại.

Dưới chân núi hiện có chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang và dấu tích của một địa đạo. Theo thi sĩ Quách Tấn, sát chân núi có bến đò, gọi là Bến Ngự (sử Nguyễn ghi là bến Hóa quê), vì xưa kia mỗi lần nhà vua đến viếng Ngũ Hành Sơn thì đậu thuyền tại đó. Tuy nhiên, có người cho rằng bến này ở núi Kim Sơn.

Trong núi có một cái hang cửa quay về phía Tây Nam, ngách vào rất hẹp, ăn sâu vào khoảng 20m theo hình chữ M chỉ đủ một người lách qua. Hang thông lên đỉnh núi bằng một lỗ nhỏ có tên là hang Cóc hay hang Bồ Đề. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta dùng hang này làm nơi tránh giặc, có lần giặc đã phu hơi độc vào cửa hang để tiêu diệt các chiến sĩ ta nhưng đồng bào và chiến sĩ đã rút lên đỉnh núi an toàn.

Thời kháng chiến chống Mỹ, hang Bồ Đề vẫn là công sự của du kích để bám sát vị trí địch đóng tại Thổ Sơn và giật mìn bắn tỉa, phục kích, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cạnh Thổ Sơn là đình làng Khuê Bắc, ngôi đình làng được xây dựng sớm ở Ngũ Hành Sơn nhưng hiện nay bị hư hại nhiều. Tại đình làng Khuê Bắc ngay trong khuôn viên vườn đình năm 2001, Đoàn nghiên cứu khảo cổ học gồm các cán bộ khoa lịch sử thuộc Đại học Hà Nội cùng cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng do GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đến khảo sát và kết quả đã cho thấy trên mảnh đất này cách đây khoảng 3000 năm đã có con người sinh sống với nền văn hóa Sa Huỳnh và địa điểm khai quật đó được mang tên là di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc.

Ngoài ra, gần ngọn núi Thổ Sơn, còn có ngôi Miếu cổ với cây đa mọc bao phủ lên miếu, trong miếu thờ cúng các vị tổ tiên ở làng Sơn Thủy, người dân thường gọi là Miếu làng Sơn Thủy. Tại đây có chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang, chùa Hương Sơn và Giác Hồng Viên.

Thổ Sơn còn rất nhiều giá trị văn hóa-lịch sử mà chưa được khám phá để phát triển. Có thể một ngày không xa ngọn Thổ Sơn được phát triển và trở thành điểm tham quan thú vị tại quần thể Ngũ Hành Sơn, một vùng đất mang tính chất tâm linh và hoài cổ.

Thủy Sơn.

Là ngọn núi ở phía Bắc của quần thể Ngũ Hành Sơn, đây là ngọn núi lớn và đẹp nhất, thường được nhiều du khách đến viếng thăm và vãn cảnh.

Thủy Sơn nằm trên dải đất rộng theo hướng Đông Bắc, khoảng 7 ha, cao 106m, có 3 đỉnh nằm ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm sao Đại Hồng Tinh (tên dân gian gọi là sao Cày), nên còn có tên gọi là núi Tam Thai.

Lối xuống cổng phía Đông gồm 108 bậc được lát đá có nhiều chiếu nghỉ để du khách đỡ mệt khi lên, xuống.
Lối xuống cổng phía Đông gồm 108 bậc được lát đá có nhiều chiếu nghỉ để du khách đỡ mệt khi lên, xuống.

Để lên được các hang động và chùa chiền tại Thủy Sơn có thể đi bằng hai con đường: cổng phía Tây của núi gồm có 156 bậc tam cấp dẫn đến chùa Tam Thai hoặc lên cổng phía Đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng, đa số du khách đều lên núi theo cổng phía Tây và đi xuống bằng cổng phía Đông.

Đường lên Thủy Sơn là những bậc đá tự nhiên, được sắp xếp theo hình bậc thang, có lan can hai bên cao khoảng 0.6m, độ rộng của đường đi khoảng từ 3m - 5m nên dù có nhiều đoàn khách lên xuống cùng lúc cũng dễ dàng. Bậc tam cấp có độ dốc thoai thoải, tổng chiều dài có độ cao chỉ khoảng 80m so với mực nước biển và du khách chỉ khoảng 10 phút để leo lên hết đoạn đường này.

Sau đó, du khách bắt đầu tham quan các động và chùa trên một địa hình thoai thoải và tương đối bằng phẳng. Tuy đoạn đường dài có tới 156 bậc tam cấp nhưng có nhiều chiếu nghỉ được đặt các ghế đá để du khách tạm dừng chân lấy sức trước khi tiếp tục lên chùa Tam Thai.

Được biết, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến ngự du viếng cảnh nhiều nhất. Nhà Vua đã đến đây 3 lần vào các năm Minh Mạng thứ VI (1825), Minh Mạng thứ VIII (1827), và Minh Mạng thứ XVIII (1837). Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, Nhà Vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng.

Ngọn cao nhất 106m ở phía Tây Bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham, ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa; ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn.

Ngoài ra tại Thủy Sơn còn có 2 di vật cổ quý hiếm, đó là bia cổ Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại động Hoa Nghiêm và tấm kim bài hình quả tim lửa có bút tích của Vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai.

Động Âm phủ

Ở ngọn Thủy Sơn có một hang động cực kỳ huyền bí và âm u ngay từ chính cái tên – động Âm Phủ. Bước qua cầu Nại Hà, du khách sẽ bước vào một thế giới cõi âm, nơi diễn ra hình phạt của các loại tội ác. Trong động Âm Phủ có rất nhiều ngóc ngách, hang hẻm đi sâu xuống lòng tượng trưng các tầng của địa ngục. Du khách tới đây có thể thấy Đài Linh Anh, điện Phán Quy, điện Minh Vương, ngục A Tỳ, suối Giải Oan…

Chùa Tam Thai

Nằm ở phía Tây Nam ngọn Thủy Sơn, với cổng Tam Quan rêu phong, cổ kính, chùa Tam Thai tọa lạc trên một khuôn viên bằng phẳng, có chu vi khoảng 200m. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời. Theo Thư tịch và Bia ký ghi lại thì chùa được xây dựng vào thời đô thị cổ Hội An mới hình thành, do Thiền sư Hưng Liên thuộc dòng thiền Tào Động của Trung Hoa đến trụ trì và lập đạo tràng từ trước những năm cuối thế kỷ 16. Năm 1825, chùa được Vua Minh Mạng phong Quốc tự, đến nay chùa đã trải qua 12 đời trụ trì.

Chùa Tam Thai chính là nơi công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời.
Chùa Tam Thai chính là nơi công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời.

Theo Hải ngoại Ký sự của Thích Đại Sáng, khách của Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), vào cuối thế kỷ 17, tức năm 1695 trên đường về Trung Quốc, ông đã ghé thăm chùa Tam Thai, như vậy có thể thấy chùa đã được xây dựng trước đó và được hình thành cách đây hơn 300 năm.

Cổng Tam Quan cổ kính rêu phong ở phía trước chùa gồm có 3 cổng, theo qui định thời phong kiến thì cổng chính giữa là cổng cao và trang trọng nhất chỉ để dành cho sư thầy đi, cổng bên trái dành cho người nam đi (nam tả), cổng bên phải dành cho người nữ đi (nữ hữu). Trước đây chùa được làm bằng tranh, tre, nứa lá, đến năm 1825 khi Vua Minh Mạng vi hành đến núi Thủy Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang, phong Quốc tự và đặt tên là Tam Thai. Đến năm 1901, do một cơn bão lớn đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa và mãi đến năm 1907 chùa mới được các phật tử đóng góp xây dựng lại và tồn tại cho đến nay.

Cũng chính tại ngôi chùa này, công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời, sau đó công chúa đến ẩn tu tại chùa Phổ Đà Sơn - nằm cạnh chân ngọn Hỏa Sơn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi gặp gỡ, họp mặt và bàn bạc việc quốc sự của các sĩ phu yêu nước của các phong trào như: Cần Vương, Duy Tân, phong trào chống sưu thuế và cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục như: Lê Bá Trinh, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Duy Hiệu; là nơi hội họp, bàn việc của Đảng bộ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Một góc của ngôi chùa với những nét kiến trúc đặc trưng.
Một góc của ngôi chùa với những nét kiến trúc đặc trưng.

Hiện nay, nhà chùa vẫn còn lưu giữ tấm kim bài hình quả tim lửa (được đặt tại bàn thờ phía sau điện thờ chính của chùa), đây là tấm kim bài có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng, nội dung bút tích ca ngợi phật pháp từ bi vô lượng phổ độ chúng sanh. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bức hoành phi do vua Minh Mạng trao tặng. Trong khuôn viên chùa hiện vẫn còn dấu tích và cổng của khu nhà hành cung, nơi lưu dấu một thời vua Minh Mạng và quan lại Triều Nguyễn đã từng ngự du viễn cảnh tại đây và lập đàn cầu Quốc thái Dân an.

Qua thời gian, chùa bị hư hỏng và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thiên tai nên đã nhiều lần trùng tu, trong đó có lần trùng tu quy mô và hoàn chỉnh nhất vào năm 1995. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ của lăng tẩm và chùa tháp kinh thành Huế.

Như Nguyệt

(Còn tiếp)

;
.
.
.
.
.