.

Sơn Trà - hòn ngọc xanh giữa phố

.

(Tiếp theo và hết)

Đỉnh Bàn Cờ

Men theo con đường mòn trên núi Sơn Trà sẽ lên đến đỉnh Bàn Cờ. Có thể nói, đỉnh Bàn Cờ là đỉnh cao nhất của núi Sơn Trà, nơi đem đến cho du khách một góc nhìn mới, lạ về thành phố Đà Nẵng. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Đà Nẵng.

Hình ảnh tiên ông ngồi trầm ngâm bên bàn cờ là điểm đến ưa thích của rất nhiều du khách.
Hình ảnh Tiên ông ngồi trầm ngâm bên bàn cờ là điểm đến ưa thích của rất nhiều du khách.

Tuy nhiên, đường lên đỉnh Bàn Cờ khá hiểm trở bởi những con dốc và những khúc cua quanh co. Đó là một hành trình mà người đi có thể trải nghiệm và ngắm nhìn cảnh đẹp nên thơ của bán đảo Sơn Trà cũng như Đà Nẵng. Trên đường đi, du khách có thể phóng tầm mắt về phía bãi cát rộng hoang sơ nhưng đầy quyến rũ, bao quanh chân núi, hay nhìn thấy những tán lá rừng như đang xếp chồng, xếp lớp lên nhau xanh um, rợp mát.

Sơn Trà không chỉ nổi tiếng với tương truyền về các vị tiên nữ giáng trần mà còn được biết đến với truyền thuyết về ván cờ của hai vị Tiên ông. Chuyện kể rằng, có hai vị Tiên ông ngồi đánh cờ trên đỉnh núi Sơn Trà nhưng nhiều ngày vẫn bất phân thắng bại. Một hôm, những tiên nữ bay xuống bãi biển để tắm, trong lúc lơ là nhìn các tiên nữ vui đùa, một Tiên ông đã bị đối thủ đánh bại.

Bực mình, Tiên ông đá văng bàn cờ xuống biển rồi bay về trời. Bãi biển mà tiên nữ tắm ấy bây giờ trở thành bãi biển đẹp, thơ mộng với tên gọi Tiên Sa, còn bàn cờ tiên bây giờ vẫn còn nằm dưới biển như để minh chứng cho một truyền thuyết thực ảo về Sơn Trà. Theo truyền thuyết này, người dân đã đặt một bức tượng Đế Thích ngồi một mình bên tảng đá có hình bàn cờ. Đỉnh Bàn Cờ có tên từ đó.

Với nhiều truyền thuyết kỳ thú, Sơn Trà ngày càng hấp dẫn du khách và đỉnh Bàn Cờ là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trên chặng đường khám phá Sơn Trà.

Hải đăng

Ngọn hải đăng Sơn Trà hay còn gọi là hải đăng Tiên Sa, nằm tại đỉnh hòn Sơn Trà với độ cao khoảng 223m so với mực nước biển. Là một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam được người Pháp xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ XX.

Một trong những trạm Hải Đăng lâu đời nhất Việt Nam.
Hải đăng Sơn Trà - một trong những trạm hải đăng lâu đời nhất Việt Nam.

Ngọn hải đăng cao 15,6m, rộng trung bình 2,7m với tầm nhìn địa lý là 14 hải lý, chiều cao tâm sáng là 238,4m. Hải đăng có đèn độc lập, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng có thể định hướng và định vị vị trí của mình.

Hang Dơi

Hang Dơi (Ảnh internet)
Hang Dơi (Ảnh Internet)

Hang dơi Sơn Trà là nơi có nhiều dơi sinh sống. Hang Dơi nằm phía sau mũi Súng, nếu đi từ biển ra thì sau khi qua mũi Súng sẽ tới. Hang Dơi cũng là điểm khám phá thú vị cho du khách khi chinh phục Sơn Trà bằng thuyền hoặc ca nô ven theo các bãi biển của bán đảo Sơn Trà.

Mũi Nghê

Mũi Nghê nằm ở phía đông nam bán đảo Sơn Trà, là nơi đón tia nắng đầu tiên trong ngày của thành phố Đà Nẵng.

Bình minh tại mũi Nghê. (Ảnh internet)
Bình minh tại mũi Nghê (Ảnh Internet)

Nhìn từ xa, mũi Nghê như một mỏm đá ăn sâu ra biển, hiện nguyên dáng một con sư tử nằm dài trên mặt nước. Nước biển nơi đây trong vắt đến kỳ lạ.

Từ chân cầu tàu Thọ Quang, đi bằng thuyền chỉ mất khoảng 40 phút qua bãi Bụt, bãi Nồm, bãi Tranh… là tới mũi Nghê. Sau những giây phút ngâm mình dưới dòng nước trong mát hoặc phơi mình trên cát trắng, du khách còn có thể lặn ngắm san hô.

Do các rạn san hô mọc rất sát bờ nên chỉ cần vài sải tay bơi là có thể thấy được cả từng đàn cá tung tăng bơi lội. Những đàn cá thuộc họ cá thia (18 loài), cá bàng chài (15 loài), cá bướm (9 loài), cá thần tiên... rực rỡ sắc màu sẽ khiến du khách có cảm giác như đang lạc vào chốn thủy cung nào đó.

Nhà vọng cảnh

Nhà Vọng cảnh là nơi du khách đứng ngắm nhìn biển, có thể nhìn thấy đèo Hải Vân và Cù Lao Chàm vào những ngày nắng đẹp.
Nhà vọng cảnh là nơi du khách đứng ngắm nhìn biển, có thể nhìn thấy đèo Hải Vân và Cù lao Chàm vào những ngày nắng đẹp.

Nằm ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển, Nhà vọng cảnh, hay còn gọi là Đài vọng cảnh là điểm dừng chân lý tưởng trong chặng đường khám phá bán đảo Sơn Trà.

Nhà vọng cảnh được xây dựng trên một mỏm đá nhô ra nên có tầm nhìn rất tốt. Từ đây có thể nhìn thấy rõ đảo Ngọc (hòn Chảo, hòn Sơn Chà), đèo Hải Vân. Trước Nhà vọng cảnh còn có hình chú khỉ đá, biểu tượng của núi Sơn Trà.

Sân bay trực thăng

Theo con đường bê-tông nhỏ sẽ thấy được sân bay trực thăng Sơn Trà, hay còn gọi là sân bay dã chiến. Sân bay này được xây dựng vào những năm 1956, khi quân đội Mỹ đã tiến hành thiết lập một số khu căn cứ quân sự để phục vụ cho mục đích xâm lược.

Lúc cao điểm sân bay trực thăng có thể chứa cùng lúc 16 máy bay.
Thời gian cao điểm, sân bay trực thăng có thể chứa cùng lúc 16 máy bay.

Sân bay trực thăng Sơn Trà có thể chứa cùng một lúc 16 máy bay, phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực và binh lính. Đây cũng là nơi chuyên chở xác những lính Mỹ tử nạn đến Hạm đội 7 ngoài Biển Đông trở về Mỹ.

Trạm radar

Trạm radar nằm ở độ cao 621m so với mực nước biển, trên đỉnh núi Sơn Trà, trạm được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát của hệ thống lên đến 300km, tầm quét sóng có thể kiểm soát cả khu vực Đông Dương đến cả Hồng Kông và đảo Hải Nam. Trạm radar này do Mỹ xây dựng vào những năm 60.

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trạm rada.
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trạm radar.

Nhiệm vụ của trạm là tuần tra canh gác bầu trời toàn vùng Biển Đông, phát hiện và ứng báo kịp thời với những hành động xâm phạm không phận, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Do đóng trên cao nên trạm radar tại bán đảo Sơn Trà quanh năm mây phủ, lãng đãng như chốn bồng lai tiên cảnh.

Voọc chà vá chân nâu

Bán đảo Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, là bức bình phong chặn gió bão cho Đà Nẵng, là địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng mà nơi đây còn được nhiều người biết đến như là vương quốc của loài linh trưởng vô cùng quý hiếm: voọc chà vá chân nâu.

Sơn Trà nổi tiếng với Voọc chà vá chân nâu.
Sơn Trà nổi tiếng với loài voọc chà vá chân nâu.

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969. Nhiều đoàn nghiên cứu khảo sát thực địa đến để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây, vì vậy hình ảnh loài vọoc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đã được thế giới biết đến.

Theo các nhà sinh thái học, hiện nay Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có vọoc chà vá chân nâu, một loại linh trưởng đặc biệt hiếm hoi trên thế giới. Được ngắm các chú voọc là một điều lý thú đối với du khách khi khám phá không gian xanh của bán đảo Sơn Trà.

Hang Rồng

Hang Rồng. Ảnh internet.
Hang Rồng. Ảnh internet.

Hang Rồng là điểm khám phá rất thú vị cho du khách khi du ngoạn Sơn Trà bằng thuyền hoặc cano ven theo bãi biển. Với mỏm đá hình đầu rồng, núi đá cheo leo cùng làn nước trong mát, nơi đây rất thích hợp với những ai ưa mạo hiểm.

Bãi Rạng

Là một bãi đá biển đẹp nằm men theo sườn đá bán đảo Sơn Trà, bãi Rạng là thắng cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng dưới chân ngọn Sơn Trà.

Bãi Rạng là một dãy dài các bãi đá nhấp nhô, cát biển mịn, sạch đẹp. Bãi Rạng được nhiều người dân và du khách trong và ngoài nước tìm đến khi khám phá Sơn Trà. Nằm gần bãi Nam, bãi Bụt và mũi Súng, bãi Rạng có nhiều dịch vụ như ăn uống, lều nghỉ, tắm nước ngọt…

Bãi U

Còn được gọi là Bãi Lở, là một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ nhất của bán đảo Sơn Trà. Tại đây bên dưới các ghềnh đá, du khách có thể tìm thấy hàu biển và ốc vú nàng, vẹm,... Nhiều đơn vị khai thác lữ hành đã đưa du khách đến đây để tự do tắm biển và nghỉ ngơi.

Bãi U. Ảnh internet.
Bãi U. Ảnh internet.

Bãi U thường có san hô vụn, vỏ ốc, rong biển dạt vào. Một số người cho rằng gọi là Bãi U là vì bãi này mọc toàn cây u, loại cây sắc mộc, mình xoắn, được dùng làm lô lái, lô mũi của ghe thuyền. Một số người gọi đây là bãi Lở cũng vì bãi này hay bị xói lở mỗi khi mưa lụt.

Bãi cát biển tại bãi U không lớn, nhưng ở khu vực này có nước ngọt, là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn tổ chức cắm trại nơi hoang dã.

Sơn Trà tịnh viên

Sơn Trà tịnh viên từ lâu được biết đến là khu bảo tồn tre, trúc độc đáo ở bán đảo Sơn Trà. Nơi đây đang lưu giữ hơn 100 giống tre, trúc các loại, trong đó có nhiều loại quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vẻ dân dã, bình yên tuyệt đẹp của Sơn Trà tịnh viên.
Vẻ dân dã, bình yên của Sơn Trà tịnh viên.

Khu vườn tre, trúc rộng khoảng 1 hécta do nhà sư Thích Thế Tường làm chủ nhân. Hơn 10 năm qua, nhà sư Thích Thế Tường đã sưu tầm nhiều giống tre, trúc trên khắp đất nước như: trúc quân tử, lồ ô, luồng, hóp, tre nghẹ, dùng phấn, mai xanh…; trong đó có 3 loài quý là trúc đen, trúc vông và tre bông. Sơn Trà tịnh viên đang được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn ở bán đảo Sơn Trà.

Hục Lở

Hục Lở. Ảnh internet.
Hục Lở. Ảnh internet.

Nằm ở phía nam bán đảo Sơn Trà, gần mũi Nghê, nếu tham gia vào tour vòng quanh bán đảo Sơn Trà bằng cano, du khách sẽ được tận mắt ngắm Hục Lở và bãi Lở, sau Hục Lở sẽ đến mũi Nghê. Cảnh vật ở Hục Lở còn rất hoang sơ. Tại Hục Lở, du khách có thể câu cá, câu mực và lặn ngắm san hô.

Hòn Sụp

Hòn Sụp là một tảng đá khá lớn nằm giữa bãi Đá và bãi Bụt, thường nhô lên mặt nước biển khi thủy triều xuống. Ở Hòn Sụp, nước không sâu, chỉ chừng 3-4m, rất trong xanh, du khách có thể nhìn thấy tận đáy và có thể thấy các cây san hô to khi ngồi trên thuyền.

Mũi Súng

Là mõm núi vươn ra biển. Trước kia, các nhà quân sự thường đặt súng thần công hay đại bác trên mõm núi này nhằm bảo vệ cho vùng biển, vì lẽ đó, mũi này được đặt tên là mũi Súng.

Mũi Súng nằm ở phía đông nam của bán đảo Sơn Trà, nếu đi từ biển thì du khách qua bãi Rạng sẽ đến mũi Súng. Nhìn từ bãi biển Mỹ Khê, mũi Súng là mỏm núi lồi ra xa nhất. Xung quanh mũi Súng có nhiều hang động trông rất kỳ bí như Hang Dơi, Hang Yến.

Bãi Nam

Bãi Nam. Ảnh internet.
Bãi Nam. Ảnh internet.

Người dân địa phương thường gọi bãi Nam là bãi Nờm hay bãi Nồm. Bãi Nam là một trong những bãi biển đẹp của khu du lịch bán đảo Sơn Trà. Tại đây có khu nghỉ dưỡng Sơn Trà resort & spa. Tại bãi Nam, ra xa bờ khoảng vài trăm mét là khu vực san hô rất đẹp, du khách có thể lặn ngắm san hô ở đây.

Bãi Đá Đen

Nếu xuất phát từ sông Hàn, qua khu du lịch Tiên Sa sẽ đến bãi Đá Đen. Bãi Đá Đen nằm ngay cạnh bãi Cát Vàng, nơi đây có nhiều tảng đá màu đen nên được gọi là bãi Đá Đen. Đây cũng là một trong những điểm đến lý thú cho những ai muốn có được những tấm hình đẹp và độc đáo.

Bãi Đa

Nằm gần vị trí cây đa di sản. Tên gọi bãi Đa cũng được hình thành từ cây đa hàng trăm năm tuổi này. Ở khu vực này có nhiều du khách đi câu cá tự túc. Nơi này nước sâu, có nhiều mỏm đá. Nếu đi theo đường Hoàng Sa, tới ngã 3 đoạn Sơn Trà resort, bạn sẽ thấy một tấm bản ghi chú hướng về phía bãi Đa, rẽ phải xuống biển là bãi Đa, hướng lên núi là tiếp tục đi đến cây đa đại thụ.

Cảng Tiên Sa

Là cảng biển nước sâu tự nhiên, có độ sâu lớn nhất là 12m nước, chiều dài cầu bến là 965m, bao gồm 2 cầu nhô và 1 cầu liền bờ chuyên dụng khai thác container. Cảng Tiên Sa có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 40.000DWT, tàu container đến 2.000 teus và tàu khách đến 75.000GRT. Cảng Tiên Sa được coi là một trong số ít các cảng tại Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng để phát triển thành một cảng biển lớn.

Một trong những cảng nước sâu lớn của Việt Nam.
Cảng Tiên Sa là một trong những cảng nước sâu lớn của Việt Nam.

Bãi Bắc

Còn có tên gọi khác là bãi Bấc, có hai gành Đông và gành Tây. Từ khoảng tháng 10-11 âm lịch hằng năm, có nhiều rong biển màu xanh sẫm bám trên các tảng đá dọc theo hai gành. Dân địa phương thường lấy về làm “mứt”, một đặc sản khá ngon, có thể ăn sống hoặc nấu chín cùng với cá cơm mờm hay cá khoai. Bãi Bắc được Tập đoàn SunGroup chọn và xây dựng khu du lịch đẳng cấp quốc tế với tên gọi: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.

Hồ Xanh

Hồ Xanh có nhiều cá nên dân đi câu rất thích buông cần ở đây. Ảnh internet.
Hồ Xanh có nhiều cá nên dân đi câu rất thích buông cần ở đây. Ảnh internet.

Hay còn gọi là hồ Bãi Bụt vì vị trí hồ nằm tại khu vực Bãi Bụt. Hồ Xanh nằm bên đường lên núi Sơn Trà. Do các hoạt đông khai thác đất đá dưới chân núi nên cứ đến mùa mưa nước từ trên núi chảy xuống, lâu ngày tích tụ thành hồ. Điểm hấp dẫn của hồ là vào mùa cỏ may, hoa lau mọc đầy, bồng bềnh như những áng mây, thu hút nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh cưới.

Ghềnh Bàng

Là điểm du lịch ít được biết đến nhưng lại là điểm đến mà dân du lịch bụi rất ưa thích bởi có thể lặn ngắm san hô dưới biển. Tuy nhiên, đây là vùng có nhiều hàu, hà bám vào vách đá nên dễ bị đứt chân tay khi lặn ở vùng biển này. Ngoài ra, tại ghềnh Bàng còn có nhiều chỗ câu cá lý tưởng. Những vách đá nhô ra biển, ngồi buông câu và hóng gió vừa thú vị vừa hồi hộp.

NHƯ NGUYỆT

;
.
.
.
.
.