Tận dụng lợi thế sẵn có là cây keo được trồng nhiều tại địa phương, mô hình “Tổ dịch vụ cây keo lá tràm” (làm công trồng và chăm sóc vườn, rừng keo) được Chi hội Phụ nữ ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) thành lập nhằm tập hợp những chị em có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Một buổi chăm sóc vườn keo lá tràm của phụ nữ thuộc Tổ dịch vụ cây keo lá tràm thôn Nam Thành, xã Hòa Phong. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Chồng mất vì bệnh, hoàn cảnh gia đình càng thêm khó khăn, chị Quách Thị Hồng (trú thôn Nam Thành) phải một mình lo cho 4 người con đang độ tuổi đi học. Qua sự vận động của các chị em trong chi hội thôn, cũng như mong muốn lớn nhất là tăng nguồn thu nhập để trang trải cho cả nhà, chị đã nhận thêm việc trồng và chăm sóc vườn keo.
Chị Hồng bày tỏ: “Tôi tham gia vào tổ dịch vụ được gần 1 năm, trước đây có làm công nhân nhưng thu nhập không ổn định do sức khỏe không tốt. Làm việc này thì không nặng nhọc và vất vả mấy, chỉ cần siêng năng một chút là được. Giờ tôi có thêm cái nghề phụ để làm bên cạnh làm ruộng nên gánh nặng về chuyện nuôi các con ăn học tử tế được tháo gỡ đôi phần”.
Tương tự, chị Trần Thị Hồng (ở cùng thôn Nam Thành) chia sẻ, mới 2 năm trước chị còn nằm trong diện hộ nghèo nhưng nay đã thoát nghèo. Từ lúc tham gia vào tổ dịch vụ, mỗi ngày chị cùng nhiều chị em khác có thể kiếm được 300.000 đồng. Công việc tuy không đều đặn hằng ngày, nhưng trung bình một tháng có thể đi làm 10 ngày, nhờ đó đem lại cho chị nhiều thời gian để chăm lo cho chồng con, đồng thời làm thêm việc khác như chăn nuôi gia súc, làm ruộng,... Nhờ đó, quá trình thoát nghèo của gia đình chị được vững bền hơn.
Được biết, “Tổ dịch vụ cây keo lá tràm” được thành lập vào đầu năm 2022 với sự tham gia của 10 thành viên. Ngay từ khi khởi phát ý tưởng, mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình từ các chị em trong thôn. Chi hội duy trì tổ dịch vụ thường xuyên trong gần 2 năm qua, đến nay đã có thêm các chị em gia nhập, nâng tổng số thành viên lên con số 20. Công việc của tổ là trồng, chăm sóc vườn keo theo nhu cầu của các chủ hộ trồng keo. Đặc thù cây keo phải được chăm sóc quanh năm nên mỗi người có thu nhập ổn định từ 2-3 triệu đồng hằng tháng. Hiện, trên địa bàn xã Hòa Phong có khoảng 157 hộ trồng keo với diện tích gần 333ha, chủ yếu được trồng tại thôn Nam Thành và Khương Mỹ...
Chị Thái Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành cho biết, chị em phụ nữ trong tổ dịch vụ đa phần là làm nông và nội trợ, do vậy công việc này được mọi người đón nhận nhiệt tình vì phù hợp thời gian và điều kiện sức khỏe. Bên cạnh đó, nhờ tính quy củ và khả năng đáp ứng nhanh chóng mỗi khi có việc, tổ dịch vụ thường được các chủ hộ trồng keo trong vùng ưu tiên giao việc. Điểm đặc biệt là mô hình này được chi hội phụ nữ thôn chọn tham gia cuộc thi “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu 2023” của thành phố.
Cạnh Nam Thành, Khương Mỹ cũng là thôn có nhiều hộ dân trồng keo. Nhận thấy mô hình phù hợp và đem lại hiệu quả, Chi hội Phụ nữ thôn Khương Mỹ đã đưa vào thực hiện trong thời gian qua. Đến nay, sau hơn 1 năm, tổ dịch vụ tại thôn Khương Mỹ tạo việc làm cho 10 chị em trong vùng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khương Mỹ cho rằng, mô hình này không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn là nơi để các chị em thể hiện sự quan tâm, gắn kết với nhau nhằm tạo sự phấn khởi trong đời sống. Nguồn thu nhập từ tổ dịch vụ tuy không lớn, nhưng góp phần giúp chị em, nhất là các chị em thuộc diện hộ nghèo...có việc làm, ổn định cuộc sống, hướng đến thoát nghèo. Công việc này cũng giải quyết được thời gian rảnh rỗi, tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình, vừa có nguồn thu nhập tăng thêm ngoài làm ruộng vườn, chăn nuôi.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong Nguyễn Thị Thương cho hay: “Thời gian tới, hội mong các chi hội tranh thủ vận động thêm những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để tham gia vào tổ dịch vụ không chỉ riêng về cây keo, mà còn phải tiếp tục sáng tạo những ý tưởng mới, mô hình lạ và phương thức hay. Đồng thời, coi đây là cơ hội thúc đẩy phong trào hoạt động của các chi hội phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
TRẦN TRÚC