Thay đổi, định hướng cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn giống cây… là những giải pháp được ngành nông nghiệp thành phố ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Các mô hình trình diễn giống lúa mới giúp ngành nông nghiệp đánh giá, lựa chọn đưa vào bộ cơ cấu giống sản xuất của thành phố. TRONG ẢNH: Trung tâm Khuyến ngư nông lâm tổ chức đánh giá mô hình trình diễn giống lúa mới tại cánh đồng xã Hòa Phong trong vụ hè thu 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Sử dụng giống năng suất cao
Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang và thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực khi sản lượng, năng suất cao và bảo đảm chất lượng, hiệu quả canh tác. Đây là thành quả từ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất lúa, ngành nông nghiệp thường xuyên triển khai định hướng cơ cấu giống lúa từng vụ.
Đơn cử, trong 2 vụ sản xuất lúa đông xuân 2022-2023 và hè thu 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí cơ cấu giống trung ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái của Đà Nẵng; phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và giảm áp lực cho việc giải phóng đất giữa 2 vụ mùa, tiết kiệm được nguồn nước tưới và hạn chế những rủi ro do thời tiết, mưa lũ cuối vụ.
Ngành nông nghiệp đẩy mạnh sử dụng giống kỹ thuật (giống xác nhận, giống nguyên chủng...), thực hiện tuyên truyền, phát động phong trào giảm lượng giống gieo sạ trên cánh đồng. Hiện nay, nhóm giống chủ lực trong bộ cơ cấu giống thành phố gồm: Hà Phát 3, ĐT100, HT1; giống bổ sung gồm các giống HN6, Đài Thơm 8, Thiên ưu 8, VNR20; giống triển vọng gồm Hương Châu 6, Bắc Hương 9, JO2, Thơm Hương 31, ST25, VNR10. Ngoài ra, để có nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm đặc trưng (bánh tráng, mì Quảng...), các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đã bố trí khu vực riêng với tổng diện tích không quá 5% diện tích sản xuất toàn vùng để thực hiện gieo sạ giống 13/2. Qua sản xuất thực tế, các giống lúa cơ cấu đều chịu được thâm canh cao, tiềm năng về năng suất lớn.
Được biết, trước khi đưa các giống tiến bộ kỹ thuật và tuyển chọn giống mới vào cơ cấu giống của Đà Nẵng, ngành nông nghiệp thành phố thực hiện thí điểm nhiều lần trình diễn trong các vụ sản xuất. Mới nhất, vào cuối tháng 8-2023, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm trình diễn 5 giống lúa gồm: ST25, ĐB18, Thơm Hương 31, Thiên Hương 6 và VNR10 với 52 hộ dân tham gia, quy mô 6ha tại cánh đồng thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Đa phần, các giống lúa này được triển khai trình diễn từ 2 vụ trước đó tại cánh đồng các xã trong huyện, riêng Thiên Hương 6 và ĐB18 là hai giống mới được công nhận và lần đầu tiên trình diễn tại Đà Nẵng.
Tăng cường các mô hình trình diễn giống lúa
Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm năng suất cây trồng và cây lúa nói riêng là chất lượng giống. Các giống được sản xuất nhiều năm thường bị thoái hóa, chất lượng, năng suất giảm. Vì vậy, việc trình diễn, đưa các giống mới với năng suất, chất lượng cao vào cơ cấu giống đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
“Khi triển khai mô hình trình diễn, các giống lúa mới đều đạt hiệu quả mong muốn, năng suất cao, chất lượng ổn định và khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu cũng như sức chống chịu sâu bệnh tốt. Do đó, HTX mong muốn các giống mới sẽ được nhân rộng sản xuất cho bà con nông dân, thay thế những giống cũ đã bị thoái hóa”, ông Sĩ nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Ngô Thị Thu Vân, mục tiêu chương trình khuyến nông hằng năm là du nhập, trình diễn những bộ giống lúa mới, lúa chất lượng nhằm nâng cao năng suất và đánh giá sự thích ứng của bộ giống để đưa vào sản xuất đại trà. Đồng thời, nhân rộng mô hình lúa chất lượng theo hướng hữu cơ để người dân nắm bắt quy trình sản xuất lúa thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Các giống lúa mới chất lượng được trình diễn phải đáp ứng được các điều kiện phù hợp với khí hậu, sinh thái của Đà Nẵng, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao, có tính ổn định về năng suất. Để bảo đảm hiệu quả các mô hình trình diễn, trung tâm luôn cử cán bộ đứng điểm tại hiện trường để hướng dẫn cho bà con thực hiện đúng các khâu trong quy trình, từ gieo sạ đến phòng trừ sâu bệnh hại; giới thiệu, liên kết một số đơn vị thu mua lúa cho nông dân với mức giá cao hơn sản xuất đại trà khoảng 1,5 lần.
“Việc trình diễn giống lúa mới, đặc biệt là đưa các giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có vai trò quan trọng, giúp hạn chế được hiện tượng thoái hóa giống, giảm chi phí sản xuất cho nông dân”, bà Vân chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban nhìn nhận, thông qua việc xây dựng, triển khai các mô hình trình diễn, nhiều giống lúa, cây trồng chất lượng, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất và mang hiệu quả kinh tế cho nông dân; góp phần từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp đẩy mạnh việc trình diễn, khảo nghiệm những giống lúa mới để có cơ sở tuyên truyền, khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích sản xuất đại trà; đồng thời là căn cứ để đề xuất đưa vào cơ cấu giống lúa gieo cấy trong những vụ đến.
VĂN HOÀNG