Trước các biến động chung của kinh tế toàn cầu, ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ chịu nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn thành phố chủ động lên phương án sản xuất phù hợp, bên cạnh đó mong muốn các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương sớm được triển khai.
Các doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Điều chỉnh quy mô sản xuất
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hải Vân (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) dù có 30 năm kinh nghiệm về sản xuất gỗ nhưng vừa qua đã chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp khác do lượng đơn hàng giảm khoảng 60%. Đồng thời doanh nghiệp giảm hơn 70% lao động và thành lập doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn là Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại - Dịch vụ Lâm nghiệp Hải Vân.
Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Lâm nghiệp Hải Vân cho biết, ngành gỗ thời gian qua gặp khó khăn, nhiều khách hàng lớn của công ty trước đây ở KCN Hòa Khánh, Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam), tỉnh Quảng Ngãi đều thu hẹp sản xuất. Vì vậy, việc công ty thu nhỏ quy mô là không tránh khỏi. Vài tháng gần đây, thị trường có dấu hiệu phục hồi nên doanh nghiệp hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn.
Trong khi đó, đại diện Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho hay, lượng đơn hàng hiện nay chỉ bằng 30% so với cùng kỳ các năm trước. Vì có đơn hàng nên công ty cũng mới khởi động lại sau thời gian tạm nghỉ, tuy nhiên, sản xuất chỉ cầm chừng và dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn.
Có thể thấy, tình hình ngành gỗ đang khá “ảm đạm”, dù vậy cũng có doanh nghiệp lại chủ động đầu tư để đón đầu khi thị trường có xu hướng phục hồi. Cụ thể, Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng mới đầu tư một nhà xưởng trị giá hơn 5 tỷ đồng và đi vào hoạt động được gần 1 tháng.
Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc công ty cho biết, công ty hoạt động trở lại từ tháng 6 vừa qua sau 3 tháng tạm nghỉ do lượng đơn hàng ít. Đến nay, tổng giá trị đơn hàng công ty đã ký kết là 1,5 triệu USD, lượng đơn hàng xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chỉ bằng 60-70% so với cùng kỳ năm 2021. Dự đoán công ty sẽ đạt công suất tối đa vào tháng 10 tới và sản xuất đến hết quý 1-2024, theo đó, cao điểm xuất khẩu gỗ vào thời điểm cuối năm nên mặc dù lượng đơn hàng hiện nay chưa nhiều nhưng công ty vẫn chủ động đầu tư thêm nhà xưởng để nâng công suất sản xuất.
Các doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường. Ảnh: M.Q |
Cần thêm hỗ trợ
7 tháng năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tiếp tục bị thu hẹp. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, chỉ số sản xuất ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tháng 7-2023 bằng 80,81% so với tháng 6-2023 và bằng 70,48% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 7 tháng năm 2023 bằng 87,26% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiệp hội có hơn 50 thành viên là đơn vị chế biến, xuất khẩu gỗ của Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới mà đơn hàng giảm sút rõ rệt. Các công ty chế biến, xuất khẩu gỗ chật vật để duy trì hoạt động, có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Theo đánh giá, tình hình khó khăn này còn kéo dài đến hết năm 2023 và sang năm 2024.
Trước khó khăn của doanh nghiệp ngành gỗ, mới đây, UBND thành phố ban hành Văn bản số 4383/UBND-SCT ngày 16-8-2023 về việc tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ. Theo đó, các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường có những giải pháp về phát triển lâm nghiệp, liên kết sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phù hợp định hướng phát triển chung của thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với nhu cầu đẩy mạnh đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Sở Ngoại vụ thiết lập kênh kết nối định kỳ với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn thành phố có thể nắm bắt kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường... Các đơn vị liên quan khác tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ.
Nhằm cụ thể hóa công tác hỗ trợ, giữa tháng 8 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) và Hiệp hội Gỗ và lâm nghiệp Đà Nẵng ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong thời hạn 3 năm nhằm tăng cường mối quan hệ, hỗ trợ hoạt động xúc tiến xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của hiệp hội. Theo đó, hai bên sẽ đồng hành, tham gia các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm để góp phần thúc đẩy sản phẩm, thương hiệu của ngành gỗ Đà Nẵng phát triển vững chắc và ngày càng mở rộng trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Huy kỳ vọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng triển khai, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác mới, cụ thể là các thị trường Úc, Đông Âu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ mong muốn thành phố sẽ có chính sách giảm tiền thuê đất, giãn hoặc giảm phí sử dụng hạ tầng trong thời gian tới.
MAI QUẾ