Những ngày xa phố

.

Ngày lại ngày, lòng người vẫn trôi miên man theo guồng công việc bận rộn và những lo toan thường nhật. Có những giây phút bất chợt dừng đèn đỏ ở ngã tư đông đúc, nhìn dòng người ngược xuôi, lòng tôi lại tự hỏi liệu có điều gì mà người trẻ như mình đã vô tình xao nhãng giữa những bộn bề ấy. Thật may mắn, những chuyến đi của Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) với sức trẻ đã cho người viết lời giải đáp ấy.

Đoàn thanh niên PC Đà Nẵng và PC Thừa Thiên Huế trao quà đến các em tại Trường tiểu học Thượng Long.
Đoàn thanh niên PC Đà Nẵng và PC Thừa Thiên Huế trao quà đến các em tại Trường tiểu học Thượng Long.

Chuyến đi đến huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua là hành trình mang lại nhiều kỷ niệm đẹp với các Đoàn viên thanh niên của PC Đà Nẵng. Sau quãng đường hơn một giờ đồng hồ di chuyển trên cao tốc La Sơn - Túy Loan trong khung cảnh như bức tranh thủy mặc trùng điệp núi non xanh mướt của rừng nguyên sinh quốc gia Bạch Mã, chúng tôi đã có mặt ở đđiểmTrường tiểu học Thượng Long thuộc xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Dù đã bước vào mùa thu, nắng hạ dường như vẫn còn lưu luyến với nắng nóng oi ả. Dọc hai bên con đường dẫn lên xã, những tán cây xanh rợp bóng mát như “vòng tay” rộng lớn che chở cho người dân nơi đây hằng ngày vẫn đội nắng mưu sinh.

Là xã thuộc huyện miền núi Nam Đông, dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Để khỏa lấp phần nào những nhọc nhằn ấy, cùng với Đoàn Thanh niên PC Thừa Thiên Huế, Đoàn Thanh niên PC Đà Nẵng đã trao tặng những phần quà đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nuôi lớn những ước mơ về một ngày mai tốt đẹp hơn qua từng con chữ “nhỏ” ấy.

Không gian đơn sơ của điểm Trường tiểu học Thượng Long cùng sự hồ hởi thầy giáo Trần Uyên Thông - Hiệu trưởng nhà trường, ông Phạm Văn Núy - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long, xen lẫn cái háo hức của các em học sinh đón chúng tôi. Trong gian phòng nhỏ, những em học sinh tiểu học với đôi mắt trẻ thơ trong veo rụt rè nhìn chúng tôi, đôi tay nhỏ nắm chặt vào tấm áo đã sờn cũ. Không để các em phải chờ đợi lâu, chúng tôi liến thoắng bắt tay nhanh chóng vào chương trình. Khoảnh khắc nhìn các em tíu tít với tập vở còn thơm mùi giấy, cây bút mới và bánh kẹo vừa được trao tặng, các thầy cô của trường không giấu được niềm vui. Trong ánh mắt lấp lánh rạng rỡ của các em, của những người chèo đò nơi ấy, chúng tôi cũng thoáng nghe đâu đây niềm hạnh phúc giản dị “cho đi” và “nhận lại” khe khẽ ngân lên trong tâm hồn mình.

Đến với điểm trường ấy một khoảng thời gian không dài, nhưng ngắm nhìn nơi ấy, những con người nơi đây, tôi hiểu cõng con chữ về miền núi xa xôi cho sự nghiệp trồng người chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với các thầy cô. Không ngại đường sá còn nhiều trắc trở, trong miệt mài, các thầy cô đã vận động các em đến lớp đầy đủ mỗi ngày, gieo những mầm xanh hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn được vun trồng từ những con chữ. Nỗi trăn trở, cái tâm, cái tình đó đã lan tỏa từ thầy Uyên Thông - Hiệu trưởng nhà trường, để chúng tôi nhận ý nghĩa của chuyến đi, của hành trình tuổi trẻ DNPC đã và đang không ngừng vun đắp. Ngang qua sân trường vẫn còn nhiều lá bàng rơi lác đác, những cánh cửa lớp học vẫn còn đóng im lìm chờ ngày cô cậu học trò quay lại lớp vào năm học mới, chúng tôi lại cùng nhỏ to bàn bạc, hẹn ngày quay trở lại trường để mang thêm nhiều niềm vui đến với các em trong thời gian tới.

Đoàn đến thăm nhà chị Kim Lý, nơi cô bé lớp 4 luôn thầm mong mẹ sớm khỏe lại.
Đoàn đến thăm nhà chị Kim Lý, nơi cô bé lớp 4 luôn thầm mong mẹ sớm khỏe lại.

Trước khi hạ kịp chuyển mình sang thu, Đoàn Thanh niên của PC Đà Nẵng cũng đã có cuộc hành trình đến với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cùng Chi đoàn phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng. Những chuyến đi cứ thế nối dài đến với nhiều miền đất để tuổi trẻ chúng tôi được trải nghiệm, được nuôi lớn tâm hồn mình, sống trọn vẹn hơn mỗi ngày với chuỗi các hoạt động thiện nguyện.

Cũng nơi ấy, chúng tôi được biết đến hộ gia đình chị Kim Lý, trú thôn Quang Châu, xã Hòa Châu. Trong gian nhà cấp 4 xây dựng tạm trên đất của người thân cho mượn, cô con gái lớn mới học lớp 4 của chị rụt rè đón đoàn khi mẹ đang nhập viện điều trị bệnh dài ngày. Hai cháu nhỏ con chị sống cùng bà ngoại đã già yếu,

không còn khả năng lao động. Cuộc sống chất chồng khó khăn làm cô bé học trò lớp 4 trở nên già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhìn dáng vẻ tần ngần của em bên hiên nhà, ai nấy trong đoàn đều ngậm ngùi. Những niềm vui tuổi thơ, những sum vầy bên người thân, những món đồ chơi hay đồ dùng học tập giản dị… như những bạn bè đồng trang lứa, với em cũng thật xa xôi…

Khi cuộc sống là muôn màu, những câu chuyện của người dân, mỗi đứa trẻ ở vùng đất mà đoàn bước đến giúp chúng tôi được góp nhặt những mảnh ghép để mỗi ngày được chọn một niềm vui, được làm việc, được sống hết mình cùng các hoạt động thiện nguyện, được thấu hiểu và yêu thương nhau hơn sau những chuyến đi. Xa phố thị tấp nập và ồn ào, xa những tòa cao ốc và con đường lung linh ánh điện, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau thắp lên những điều nho nhỏ, gieo những mầm xanh yêu thương khắp nẻo đường quê.

Q. Trang - T. Uyên

;
;
.
.
.
.
.