Sổ tay

Làm sao để bứt tốc trong những tháng cuối năm?

.

Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, việc xác định các ngành kinh tế chủ lực và dự báo các kịch bản tăng trưởng là rất cần thiết đối với Đà Nẵng trong giai đoạn sắp tới.

Theo Cục thống kê Đà Nẵng, năm 2022 GRDP của Đà Nẵng đã tăng trưởng 13,21% so với năm 2021; tuy nhiên cũng trong giai đoạn này, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối diện với rất nhiều thách thức và khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 và những bất ổn liên tục của nền kinh tế - chính trị thế giới; những áp lực về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội khác.

Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần thiết phải xây dựng kịch bản tăng trưởng cho các ngành kinh tế được xác định là chủ lực đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm cũng như cả năm 2023. Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND thành phố dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể: kịch bản 1 với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân 7,2%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5-7%/năm; kịch bản 2 (kịch bản chọn) với giai đoạn 2021-2025 đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm (nghị quyết đề ra mục tiêu 9-10%); kịch bản 3: tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân khoảng 12,8%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 9%/năm.

Được biết, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thành phố bao gồm: công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy; hoạt động kinh doanh bất động sản và thông tin truyền thông đang thể hiện xu hướng sụt giảm tốc độ tăng trưởng hoặc thu hẹp quy mô một cách đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 (theo Cục Thống kê Đà Nẵng).

Trong bối cảnh này, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong những tháng cuối năm và cả năm 2023 phụ thuộc rất lớn vào triển vọng tăng trưởng của một số ngành kinh tế quan trọng còn lại là dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ và hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Do đó, thành phố cần có các chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng của bốn ngành có khả năng tăng trưởng mạnh này và hạn chế sự sụt giảm của các ngành còn lại. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nhằm tạo thặng dư thương mại, đưa công nghiệp chế biến chế tạo và bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy thoát khỏi mức tăng trưởng âm và duy trì được đà tăng trưởng của ngành vận tải kho bãi. Đồng thời, thành phố cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn về đất đai... để hạn chế đà sụt giảm quy mô của hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh xử lý những tồn tại, vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn cho phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, cần đẩy nhanh triển khai các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp mới (KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn)  nhằm tăng quỹ đất thu hút đầu tư.

Tiếp đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đến cuối năm 2023 là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công và tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi bộ, ngành để phối hợp thực hiện.

Đồng thời, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khơi thông các nguồn lực về đất đai, tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện kết luận thanh tra, bản án…; trong đó, cần tập trung triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách và phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, cần tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất thay đổi và thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

HƯƠNG MIÊN

;
;
.
.
.
.
.