Với chính sách thị thực (visa) mới tăng thời gian lưu trú dành cho du khách sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cũng như sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành để khai thác tốt khách từ các chính sách visa mới này thì cần có thời gian để tiếp cận các thị trường khách.
Ngành du lịch thành phố cần tăng cường thêm hoạt động quảng bá, bổ sung thêm các sản phẩm để thu hút khách từ các thị trường khai thác chính sách visa mới trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Du khách quốc tế tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: NHẬT HẠ |
Chính sách visa mới của Chính phủ cho phép một số nước nhập cảnh vào Việt Nam miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Theo bà Xa Doãn Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH 4T Travel, việc Chính phủ nới lỏng thị thực cũng như chính sách visa cho một số quốc gia là một động thái thể hiện sự lắng nghe, quyết tâm dành mọi nguồn lực, ưu đãi cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau Covid-19.
Chính sách này cũng giúp Việt Nam tăng sự cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới, vì khách sẽ có thêm thời gian lưu trú dài hơn một số quốc gia trong khu vực. Khách quốc tế có thể tăng thời lượng ngày tour khi đến Việt Nam. Sản phẩm dành cho khách quốc tế đến Việt Nam nhất là từ các thị trường xa như châu Âu, Mỹ đa phần là xuyên Việt nên chính sách mới này sẽ làm lợi cho cả doanh nghiệp kinh doanh du lịch lẫn du khách...
Bà Hồng Thủy cho rằng, Đà Nẵng là trung tâm du lịch của miền Trung, nằm giữa các di sản văn hóa thế giới, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Thế nhưng số lượng các chuyến bay thẳng từ các thị trường xa đến Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. Do đó, việc tăng vị thế của điểm đón khách trực tiếp bằng các hoạt động xúc tiến (chú trọng các thị trường ngách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú lâu) là việc làm hết sức cần thiết.
“Sau dịch bệnh, có nhiều thay đổi, do đó, ngành du lịch thành phố cần xác định lại thị trường khách trọng điểm của Đà Nẵng; đồng thời cũng cần tạo ra các sản phẩm mới, thiết lập các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch phù hợp với các thị trường khách mới đó như khách Ấn Độ, khách Halal…”, bà Thủy gợi ý.
Để thu hút khách quốc tế, ngành du lịch cần bổ sung thêm các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn hơn nữa. TRONG ẢNH: Khách quốc tế tham quan, mua sắm tại Chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: NHẬT HẠ |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam Travelmart chia sẻ, ngay khi chính sách mới của Chính phủ ban hành, ngay lập tức doanh nghiệp thông báo thông tin này tới các đối tác gần xa, nhất là các thị trường khách trực tiếp được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách và nhận được phản ứng tích cực từ các đối tác.
Đây là những tín hiệu khá tốt cho các doanh nghiệp khai thác khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Bởi các thị trường khách quốc tế hiện nay của Đà Nẵng chủ yếu là Đông Bắc Á, trong khối ASEAN, Ấn Độ…; các thị trường khách từ Tây Âu, Mỹ, Úc… thường đi dài ngày và nhiều điểm trải dài khắp đất nước hoặc các nước lân cận.
Do đó, chính sách thị thực được nới lỏng sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, thiết kế tour cho khách. Quốc gia nào ít rào cản, chính sách càng thông thoáng, cởi mở thì du khách sẽ chọn để đi du lịch.
Theo ông Nguyễn Như Nam, thời điểm này đang là mùa khách quốc tế đi trú đông, nghỉ dưỡng, khách từ các thị trường xa thường không “thức thời” như các thị trường gần, tức là đi luôn khi có thông tin. Để chuẩn bị cho chuyến đi, khách thường lên kế hoạch dài hơi từ 6 tháng đến 1 năm.
Khi chính sách mới của Việt Nam được công bố, điều doanh nghiệp cần làm hiện nay là kết nối với đối tác, chia sẻ về chính sách mới, giới thiệu, quảng bá nhiều hơn về điểm đến cũng như bổ sung thêm các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, điểm đến hấp dẫn hơn nữa để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.
Nếu được thì nên hình thành nên những chuỗi sản phẩm vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống, trải nghiệm… mang đậm văn hóa bản địa để kích thích sự trải nghiệm, khám phá của du khách.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã rất nỗ lực để thu hút khách quốc tế đến Đà Nẵng. Thành phố tổ chức các chuyến đi xúc tiến, quảng bá tại các thị trường du lịch tiềm năng như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… và kết nối các đối tác, các hãng hàng không để mở, nối lại các đường bay quốc tế.
Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, hội thảo xúc tiến đầu tư tại Úc, Phillipines để quảng bá tới các đối tác nước ngoài về du lịch Đà Nẵng.
NHẬT HẠ