Chiều 11-10, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì hội nghị “gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2023” do UBND thành phố tổ chức. Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp nêu nhiều ý kiến, đề xuất để cùng thành phố tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: M.QUẾ |
Doanh nghiệp quan tâm giá thuê đất, cơ sở hạ tầng
Đại diện Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) mong muốn rà soát lại cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, cụ thể là vấn đề xử lý ngập úng. Những trận mưa trong hai năm gần đây đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, hư hại máy móc.
Mặc dù Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã thực hiện một số giải pháp như nạo vét, khơi thông cống nhưng những trận mưa to trong tháng 9 và tháng 10-2023 khiến doanh nghiệp lo lắng về khả năng thoát nước tại Khu Công nghệ cao nên cần phương án giải quyết lâu dài, căn cơ.
Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp cũng nêu ý kiến vướng mắc về giá thuê đất, đặc biệt là tại khu vực gần biển hay giá đất thương mại, dịch vụ còn cao. Người lao động trong lĩnh vực du lịch sau hai năm ảnh hưởng Covid-19 đã thay đổi việc làm khiến doanh nghiệp du lịch gặp khó về lao động…
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cho biết, giá thuê đất của thành phố sau khi điều chỉnh đã tiệm cận với giá thị trường, nhưng việc điều chỉnh trong thời điểm hiện nay khiến doanh nghiệp gặp áp lực lớn về chi phí. Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 3-10-2023 về giảm tiền thuê đất năm 2023, tuy nhiên chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, còn các doanh nghiệp đang thuê đất lại từ các chủ đầu tư khu công nghiệp thì không được thụ hưởng.
Năm 2021, thành phố có quyết định về giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp nên hiệp hội mong muốn thành phố xem xét ban hành quyết định tương tự để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa lâu nay gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất và đang rất trông chờ các cụm công nghiệp hoàn thành, đặc biệt là cụm công nghiệp Cẩm Lệ.
Về vay vốn ngân hàng, ông Bình đánh giá lãi suất cho vay hiện nay ở mức vừa phải, tuy nhiên các doanh nghiệp hầu như khó được vay tín chấp (vay không thế chấp tài sản), các ngân hàng đều yêu cầu tài sản chứ không dựa trên đánh giá về lịch sử giao dịch của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp cần được đẩy nhanh.
Thành phố luôn lắng nghe và đồng hành
Về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, sở đã làm việc với Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Hòa Cầm về lối vào Cụm công nghiệp Cẩm Lệ và chi phí khai thác khi dùng chung lối vào dự kiến ở mức giá nào. Ngoài ra, sở đang phối hợp UBND quận Cẩm Lệ tiếp tục xử lý vấn đề về nước thải và thoát nước. Song song đó, sở tập trung triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp khác như cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết: “Về vay tín chấp, nhiều ngân hàng khó triển khai vì các yếu tố khách quan, bởi doanh nghiệp thế chấp tài sản tại ngân hàng còn rủi ro thì việc không có tài sản thế chấp rất khó xử lý. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng, lịch sử tín dụng tốt mà gặp khó khi vay tín chấp có thể gửi ý kiến tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng để kiến nghị. Chúng tôi sẽ xem xét và có chỉ đạo phù hợp”..
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Phạm Bắc Bình kiến nghị các khó khăn của doanh nghiệp hiện nay tại hội nghị. Ảnh: M.Q |
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho hay, quan điểm của thành phố là bảo đảm hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Thành phố cũng rà soát, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trên địa bàn.
Theo đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Về kiến nghị liên quan tiền thuê đất, UBND thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất trình HĐND thành phố phương án điều chỉnh phù hợp. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tính pháp lý của một số lô đất mà doanh nghiệp kiến nghị. Về các cụm công nghiệp, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là Cụm công nghiệp Cẩm Lệ.
“Thành phố ghi nhận vẫn còn chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, mong cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ, có phản ánh kịp thời để thành phố kịp thời tháo gỡ, có phương án xử lý và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức những hội nghị đối thoại như thế này để doanh nghiệp có thể chia sẻ, nói lên khó khăn và có đề xuất để thành phố có phương hướng hỗ trợ phù hợp”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nói.
Báo cáo tình hình kinh tế thành phố 9 tháng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thông tin một số giải pháp của thành phố trong thời gian tới để bảo đảm kế hoạch năm 2023, gồm: tập trung triển khai các giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố; rà soát, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn công trình, hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cây xanh…); tiếp tục triển khai hiệu quả đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2026; tập trung phối hợp chặt chẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
MAI QUẾ