Mặc dù gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước, ngành dệt may từ đầu quý 3 đến nay đang có dấu hiệu phục hồi, tạo đà tăng tốc cho thị trường cuối năm.
Ngành dệt may đang nỗ lực chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới để tăng năng suất. TRONG ẢNH: Sản xuất tại nhà máy sợi thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: MAI QUẾ |
8 tháng năm 2023, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đạt 3.231 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ 2022 và bằng 80% kế hoạch 2023 (trong đó xuất sang thị trường Mỹ 46%, châu Âu 14%, châu Á 28% và các thị trường khác là 12%).
Lợi nhuận riêng của Hòa Thọ ước đạt 155 tỷ đồng, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 82% so với kế hoạch năm 2023. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, dù phục hồi hơn so với các tháng trước nhưng về tổng thể thì nhu cầu thị trường vẫn thấp và dự báo kéo dài sang nửa đầu năm sau.
Hiện Dệt may Hòa Thọ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai như nhà máy may Triệu Phong (Quảng Trị) giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; bên cạnh đó đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị, tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đề hoàn thành mục tiêu doanh thu năm 2023 là 754 tỷ đồng, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Ông Hồ Hai, Tổng Giám đốc công ty cho hay đã xây dựng phương án thị trường tối ưu theo tốc độ tăng trưởng năng suất lao động các đơn vị và tăng cường tìm kiếm thêm khách hàng mới.
Công ty sẽ tiếp tục triển khai các dự án: điều chỉnh thời hạn nhà máy may xuất khẩu Phù Mỹ (Bình Định) đến năm 2053, dự án Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) giai đoạn 2…
Đặc biệt, sau 1 năm triển khai chuyển đổi số, năng suất công ty tăng khoảng 20%, thời gian công việc giảm 15%, tiết kiệm 10% chi phí sản xuất tại các nhà xưởng.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 thông tin, các sản phẩm veston của công ty đang được tiêu thụ tốt hơn. Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 là 940 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 23,5 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu, công ty tiếp tục nỗ lực thực hiện các yêu cầu để đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh, có phương án cải tạo lại mặt bằng nhà xưởng, nhà kho của lĩnh vực dệt để chuyển đổi chức năng sang sản xuất may mặc; tiếp tục đầu tư vào dòng sản phẩm veston; tập trung triển khai thực hiện dự án đầu tư xí nghiệp may Duy Trung (Quảng Nam) giai đoạn 2.
Ngành dệt may tăng tốc sản xuất trong quý 4-2023. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: MAI QUẾ |
Theo tìm hiểu từ các doanh nghiệp dệt may, nhìn chung, từ cuối quý 3 đơn hàng đã tăng lên, tạo đà để phục hồi trong quý 4. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và tháng 9 năm 2023 của Cục Thống kê thành phố cho thấy, chỉ số tiêu thụ ngành dệt 9 tháng năm 2023 tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng một số sản phẩm dệt tháng 9-2023 tăng so với tháng trước như: vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên đạt 2.626m2, tăng 5,87%; quần áo cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 29,4%; quần áo cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 11,48%. Tính chung quý 3-2023, sản lượng vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên đạt 7.650m2, tăng 45,35% so với quý trước.
Tuy đã có những tín hiệu tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng ước đạt 387 triệu USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2022; chỉ số sản xuất dệt may 9 tháng giảm 7,21% so với cùng kỳ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, Sở Công Thương đang triển khai Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 17-5-2023 về Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở đang đẩy mạnh các chương trình kết nối doanh nghiệp, gần đây nhất là Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng lần thứ nhất vào giữa tháng 9 vừa qua, qua đó giúp các doanh nghiệp dệt may kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sở cũng tiếp tục thông tin để các doanh nghiệp nắm bắt các chính sách hỗ trợ của thành phố về đổi mới công nghệ, chuyển giao thiết bị tiên tiến vào sản xuất, khuyến công...
Ngoài ra, sở tập trung triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp theo quy hoạch (trong đó có nhà máy xử lý nước thải tập trung bảo đảm quy định hiện hành) để bố trí quỹ đất kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sở tăng cường phổ biến, tổ chức các hội thảo, tập huấn về lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho doanh nghiệp.
MAI QUẾ