Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao, qua đó tạo sức lan tỏa, kết nối các ngành sản xuất hiện đại.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q; Đồ họa: ANH DUY |
Tín hiệu tích cực vào giữa tháng 10 vừa qua là Khu Công nghệ cao thu hút thành công một dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư dự án nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng tại Khu Công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD, đạt suất đầu tư 11,8 triệu USD/ha, diện tích đất sử dụng 11,35ha.
Dự án có mục tiêu chế tạo bút cảm ứng, tai nghe không dây, bộ pin, trạm sạc, mạch in điện tử, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho gần 2.000 lao động. Một nhà đầu tư khác tại Khu Công nghệ cao là Công ty CP Long Hậu đã triển khai 4 nhà xưởng với tổng diện tích hơn 20.000m2; trong đó 2 nhà xưởng tiếp nhận 2 nhà đầu tư Nhật Bản đến thuê, triển khai sản xuất và có sản phẩm xuất khẩu; còn 2 nhà xưởng đã có đối tác đặt vấn đề thuê và trong quá trình đàm phán, qua đó kỳ vọng tạo thêm lực đẩy thu hút đầu tư cho Khu Công nghệ cao.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty CP Long Hậu cho biết, cuối tháng 4-2023, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cùng Công ty CP Long Hậu ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ về việc tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao cho Đà Nẵng.
Theo biên bản ghi nhớ, về phía Công ty CP Long Hậu xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu Khu Công nghệ cao đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; kết nối, hợp tác với các tổ chức, hội, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm xây dựng kênh thông tin hiệu quả về môi trường đầu tư, định hướng thu hút trong hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghệ cao.
“Từ khi biên bản ghi nhớ được ký kết, Long Hậu tăng cường tổ chức cũng như tham gia các hoạt động định hướng, thu hút nhà đầu tư, các hội chợ, triển lãm về công nghiệp hỗ trợ, kết nối đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ… trong đó ưu tiên giới thiệu về Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho đối tác, doanh nghiệp có kế hoạch tìm hiểu, quan tâm đầu tư”, ông Hiếu cho hay.
Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, 9 tháng năm 2023, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 350 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 135 triệu USD. Lũy kế đến nay, Khu Công nghệ cao đã thu hút 28 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.024 tỷ đồng và 12 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 702 triệu USD.
Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, Ban quản lý đã có Thông báo số 2039/TB-BQL ngày 7-9-2023 về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao năm 2023. Theo đó, Ban quản lý kêu gọi đầu tư vào 3 phân khu: sản xuất công nghệ cao; nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao. Tiêu chí chung là ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ phù hợp với Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao để tạo sức lan tỏa, kết nối sản xuất hiện đại. TRONG ẢNH: Kỹ sư vận hành sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam. Ảnh: M.Q |
Cụ thể, suất đầu tư vào khu sản xuất công nghệ cao đạt tối thiểu 15 triệu USD/ha; suất đầu tư vào khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp đạt tối thiểu 5 triệu USD/ha; suất đầu tư vào khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao đạt tối thiểu 10 triệu USD/ha.
Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 4-1-2018 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 4 năm đầu tiên và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu máy móc, hàng hóa, thiết bị tạo tài sản cố định,...
Ông Vũ Quang Hùng thông tin, Ban quản lý đang tập trung các nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao theo hướng đồng bộ và hiện đại; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên toàn bộ diện tích Khu Công nghệ cao giai đoạn 3. Ngoài ra, trên cơ sở dự báo sử dụng đất của điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban quản lý sẽ triển khai nghiên cứu phương án mở rộng Khu Công nghệ cao.
Song song đó, Ban Quản lý tiếp tục phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là các thị trường trọng điểm; ưu tiên thu hút các dự án lớn về công nghệ cao, có sức lan tỏa, có quy mô trên 100 triệu USD.
“Ban quản lý luôn giúp đỡ nhà đầu tư từ giai đoạn tiếp xúc gặp gỡ cho đến lúc nộp hồ sơ. Nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm việc, giữa tháng 10, chúng tôi khởi động xây dựng khu “DHPIZA Business Lounge” - không gian làm việc chung với đầy đủ các tiện ích dịch vụ cần thiết cho việc tiếp đón và làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp ở trụ sở của Ban Quản lý tại lô A17, Khu Công nghệ cao và dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2023, qua đó tăng cường khả năng kết nối cung ứng dịch vụ công đến nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Hùng cho hay.
MAI QUẾ