Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ còn hơn 2 tháng là hết năm ngân sách, nhưng nguồn vốn cần giải ngân vẫn còn rất lớn. Với thực trạng này thì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% khó có thể hoàn thành.
Xây dựng cầu vượt QL 21 tại Km0+00 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN |
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần; đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 (số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy).
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả giải ngân trong cả nước ước 10 tháng đạt 52% tổng kế hoạch vốn và đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 cũng chỉ đạt 52,6%. Đặc biệt, hiện có tới 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 10%; 4 địa phương giải ngân dưới 30% trong tổng số 52 bộ, cơ quan trung ương và địa phương có kết quả giải ngân ước 10 tháng thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng cũng mới đạt 35% kế hoạch. Do vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm nay.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc phát động thi đua sẽ giúp thành phố tập trung cao nhất mọi nguồn lực, quyết tâm, kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của cả nước. Đó là những vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng như vấn đề chuyển đổi đất rừng, đất lúa, khai thác khoáng sản cũng như vướng mắc trong thực hiện các dự án thuộc chương trình mực tiêu quốc gia. Tình trạng thiếu nguyên liệu thi công tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm).
Ngoài ra, đến tháng 9-2023, mới có hướng dẫn vốn chuẩn bị đầu tư, hướng dẫn điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán năm 2023.
Hơn nữa, các vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ, việc phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra và đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...
Theo Baotintuc.vn