Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn

.

Huyện Hòa Vang xác định phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) là hướng đi tích cực nhằm chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Hòa Vang chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.  TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Phát Long Phước (xã Hòa Phước). Ảnh: TRẦN TRÚC
Huyện Hòa Vang chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Phát Long Phước (xã Hòa Phước). Ảnh: TRẦN TRÚC

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Với điều kiện thuận lợi về giao thông, nguồn lao động và tài nguyên, xã Hòa Phước đã dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành nghề TTCN. Cụ thể, giá trị ngành nghề - TTCN năm 2022 của xã đạt 289,79 tỷ đồng, tăng 7,31% so với năm 2020, tỷ lệ tăng bình quân 3,59%/năm. Địa phương đã kêu gọi thành công nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh mới vào địa bàn với 27 đơn vị trong vòng 3 năm nay. Xã đã bổ sung một số vị trí đất nông nghiệp kém hiệu quả sang thực hiện các dự án công nghiệp- TTCN. Đơn cử như Công ty CP Phát Long Phước - hoạt động trong lĩnh vực may, chuyên gia công các mặt hàng như balo, túi xách, lều. Được thành lập đầu năm 2022 trên diện tích 9.000m2, công ty đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của xã khi tạo việc làm cho hơn 300 người dân tại đây với mức thu nhập bình quân 7-12 triệu đồng/tháng.

Tại xã Hòa Châu, phát triển TTCN được xã đặc biệt chú trọng thông qua việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh các ngành nghề như gia công cơ khí, sản xuất đồ gỗ, may mặc... Đến năm 2023, giá trị TTCN của xã đạt 516,2 tỷ đồng. Hiện xã có 98 hộ hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, xã Hòa Châu tích cực hỗ trợ để duy trì sản xuất các ngành nghề truyền thống như bánh khô mè Quang Châu, bánh tráng Thi Chung (thôn Đông Hòa); bánh ít, bánh tráng (thôn Phong Nam).

Thực hiện chương trình khuyến công do Sở Công Thương triển khai nhằm góp phần khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, huyện Hòa Vang đã khảo sát thực tế các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn. Trên cơ sở đó, huyện đã tổng hợp danh mục đề xuất hỗ trợ cho 8 đơn vị (năm 2023) với tổng số tiền là 1,6 tỷ đồng. Theo thống kê, đến nay, ngành công nghiệp-TTCN trên địa bàn huyện có tổng số 1.414 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và giải quyết việc làm cho 9.579 lao động. Cùng với đó, giá trị tăng thêm công nghiệp - xây dựng năm 2022 đạt 756 tỷ đồng, (tăng 4,42% so với năm 2021).

Chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Huyện Hòa Vang đặt mục tiêu đến năm 2025, trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 34,52%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 12-13%/năm. Để hoàn thành mục tiêu đó, đồng thời hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp-TTCN, thời gian qua, huyện Hòa Vang triển khai, đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển công nghiệp- TTCN, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, các đơn vị đã hoàn thành việc rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp- TTCN trong khu dân cư cần di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và phương án bố trí sắp xếp Làng đá chẻ Hòa Sơn. Huyện đã tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn, nhất là những ngành có lợi thế và tạo nhiều việc làm như sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, hàng gỗ, mây tre xuất khẩu, sửa chữa cơ khí, chế biến nông sản, chế biến đồ uống...

Cũng theo đề án, huyện ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, kết hợp chặt chẽ sản xuất với thị trường, tập trung hướng mạnh vào các ngành công nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao gắn với kinh tế tri thức và phát triển bền vững. Huyện sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp tập trung với mô hình các khu (cụm) công nghiệp; hình thành hệ thống các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề hợp lý trên địa bàn; bảo đảm một phần quan trọng nhu cầu đất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có các khu, cụm công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin đang hoạt động với tổng diện tích 2.213,8ha, gồm các Khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Nhơn; Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, khu phụ trợ công nghệ cao, Khu CNTT tập trung, Khu CNTT tập trung số 2, Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng, Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn. Huyện đang đẩy nhanh việc xúc tiến đầu tư, phối hợp phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như xúc tiến đầu tư Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Khu công nghiệp Hòa Nhơn - Hòa Sơn - Hòa Ninh, khu phụ trợ Khu Công nghệ cao và khu phụ trợ các khu công nghiệp; quy hoạch chỉnh trang hiện trạng khu vực sản xuất TTCN tại Hòa Nhơn theo hướng hình thành một cụm công nghiệp thứ hai.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu công viên phần mềm mới, kèm các chính sách khuyến khích đối với việc triển khai vượt tiến độ hoặc giá cho thuê hạ tầng thấp hơn giá trúng thầu… nhằm bảo đảm hoàn thành hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trước năm 2025.

Để tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn, huyện tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai trong các khu công nghiệp hiện có để giao đất cho các nhà đầu tư có nhu cầu và tiềm lực tài chính. Ngoài ra, địa phương phối hợp mở rộng trung tâm logistics, kho bãi tại khu vực phía nam Trung tâm logistics cảng Đà Nẵng nhằm khớp nối với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.