Phát triển khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh

.

Tại hội thảo “Mô hình khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh, công viên xanh” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 15-11, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ, hoàn thiện mô hình và bộ tiêu chí đánh giá; qua đó, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, đáng sống, đô thị sinh thái, tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Trong ảnh: Một góc thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: VĂN HOÀNG
Theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. TRONG ẢNH: Một góc thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: VĂN HOÀNG

Xu hướng tất yếu

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện các mục tiêu xây dựng Thành phố môi trường, thành phố tiếp tục phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; trong đó, bổ sung, hoàn chỉnh nhiều mục tiêu quan trọng, xác định Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường, đáng sống, đô thị sinh thái.

Đây được xem là mục tiêu xuyên suốt trong định hướng phát triển của thành phố và luôn xác định không đánh đổi môi trường để đạt các mục tiêu kinh tế. Mới đây, Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Để đạt được điều đó, đối với đô thị, khu dân cư phải bảo đảm xanh - sạch - đẹp; các cụm, khu công nghiệp (KCN) phải là KCN xanh, sinh thái và hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn theo mục tiêu NET Zero (cắt giảm lượng khí thải nhà kính về 0). 

Theo Trung tâm Công nghệ sinh học, đối với mô hình “Đô thị xanh” tại Đà Nẵng, việc phát triển dựa trên 4 yếu tố quan trọng gồm: hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; xanh hóa rộng rãi; phát triển nén trong quy hoạch với sử dụng đất hỗn hợp/hòa hợp xã hội; nguyên tắc tăng trưởng xanh và công bằng. Trong đó, năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng trong mọi hoạt động của đô thị là điểm khởi đầu quan trọng nhất của đô thị xanh. Năng lượng được liên kết với nhiều yếu tố của quá trình phát triển đô thị xanh.

Đây cũng là yếu tố trung tâm để thúc đẩy và định hướng đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần cải thiện tổng thể đô thị. Mặt khác, việc xanh hóa rộng rãi trong các lĩnh vực gắn liền với ý tưởng mang thiên nhiên trở lại đô thị. Các mục tiêu chủ yếu của tăng trưởng xanh là giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, nâng cao năng lực chống chịu... Đối với mô hình “Khu công nghiệp sinh thái” sẽ tác động đến kinh tế, môi trường và xã hội, dẫn đến việc tạo ra giá trị cho các bên liên quan trong KCN sinh thái.

Hơn hết, điều kiện địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển; trong đó, hạ tầng là yếu tố “đi trước mở đường” phát triển KCN sinh thái. Các bộ phận của KCN sinh thái bảo đảm cho quá trình di chuyển các dòng vật chất (vật liệu, năng lượng, nước, chất thải…) trong KCN, diễn ra theo chu trình tuần hoàn kinh tế để cải thiện hiệu quả sử dụng vật liệu và tái chế, tái sử dụng chất thải. Trong mô hình, vấn đề cộng sinh công nghiệp cần được quan tâm và chú trọng, bảo đảm các yếu tố pháp lý, nhận thức của các bên tham gia, niềm tin vào đối tác, công nghệ khả thi và phù hợp, nguồn lực tài chính.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Mô hình khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh, công viên xanh” ngày 15-11. Ảnh: VĂN HOÀNG
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Mô hình khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh, công viên xanh” ngày 15-11. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Phòng quản lý Môi trường, Khoa học - Công nghệ và Ươm tạo (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng), trên địa bàn thành phố có 6 KCN đang hoạt động. Từ năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã thực hiện thí điểm chuyển đổi một số KCN thông thường tại các địa phương sang mô hình KCN sinh thái, trong đó có KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia và đạt được một số thành tựu nhất định, trong đó có các vấn đề cộng sinh công nghiệp. Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành mô hình KCN sinh thái đến năm 2025 và có từ 2-3 KCN sinh thái đến năm 2030. Thời gian đến, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ xây dựng đề án, phương án chuyển đổi các KCN trên địa bàn thành phố thành KCN sinh thái.

Theo ông Lê Đức Viên, KCN sinh thái cần được xây dựng trên nền tảng là doanh nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, vấn đề cộng sinh công nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng khi xây dựng KCN sinh thái. Hai vấn đề trên gắn bó rất chặt chẽ với doanh nghiệp, do đó cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp sinh thái.

PGS. TS. Trần Văn Quang, giảng viên cao cấp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận, các tiêu chí xây dựng, phát triển mô hình cần phù hợp với thực tiễn thành phố. Trong KCN sinh thái, hạ tầng là yếu tố quan trọng cần triển khai đầu tiên, trong khi bối cảnh các KCN của thành phố để áp dụng các tiêu chí xây dựng KCN sinh thái rất khó. Vì vậy, có thể kiến nghị áp dụng tại các cụm công nghiệp mới trên địa bàn các quận, huyện.

Tương tự, ông Bùi Đức Lợi, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm cho hay, để xây dựng KCN sinh thái là vấn đề rất khó khăn. Hiện tại, các KCN đa số lấp đầy diện tích và nhiều vướng mắc khi chuyển đổi nên các đơn vị cần xây dựng lộ trình phù hợp, đánh giá thực trạng của các KCN trên địa bàn thành phố; đồng thời, xác định rõ lợi ích của chủ đầu tư khi xây dựng KCN sinh thái. TS. KTS Lê Phong Nguyên, Trưởng bộ môn Quy hoạch, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa cũng cho rằng, các tiêu chí và mô hình cần dựa trên nền tảng là cơ sở dữ liệu, bối cảnh của địa phương. Đơn cử việc xây dựng mô hình “Công viên xanh”, cần xem xét từ những yêu cầu thực tế rõ ràng, phạm vi mang tính sử dụng, nhu cầu, thói quen, thời gian sử dụng của người dân. Từ đó, đánh giá tổng quan để xây dựng bộ tiêu chí xây dựng cụ thể và rõ ràng...

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.