5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW

Phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại

.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố triển khai thực hiện và hoàn thành nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với trách nhiệm xã hội, môi trường và cộng đồng; tập trung đẩy mạnh các lĩnh vực mũi nhọn để bảo đảm phát triển, khôi phục kinh tế và tạo sự tăng trưởng bền vững.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị.  Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại mô hình nông nghiệp công nghệ cao Afarm - Farm on smartphone tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.H
Phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại mô hình nông nghiệp công nghệ cao Afarm - Farm on smartphone tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.H

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn kinh tế. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 về triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 2585/KH-UBND ngày 20-4-2020 về thực hiện Chương trình số 42-Ctr/TU của Thành ủy Đà Nẵng.

Căn cứ nghị quyết, chương trình, kế hoạch nêu trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đến nay, trong tổng số 47 nhiệm vụ được giao, các ngành đã hoàn thành 5 nhiệm vụ, 38 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện, 3 nhiệm vụ chưa triển khai và 1 nhiệm vụ đề nghị không thực hiện, qua đó, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2020-2022 tăng 1,73%; cơ cấu kinh tế nội bộ ngành lần lượt: thủy sản 67,41%, nông nghiệp 25,85%, lâm nghiệp 6,74%; duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó đến cuối năm 2022 có 5/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 64 sản phẩm OCOP.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang được ngành nông nghiệp thành phố triển khai mạnh mẽ. Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng hữu cơ, chứng nhận VietGAP, các vùng chuyên canh rau, hoa đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, tưới tiêu tiết kiệm, cơ giới hóa, hình thành các chuỗi liên kết gắn với sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương.

Năm 2022, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả là 24,41ha. Công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai gắn với quy hoạch chung thành phố; có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến năm 2023 hoàn thành ít nhất 1 vùng để tạo động lực, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và bền vững. Trong sản xuất lúa, chuyển đổi mạnh sang sản xuất theo hướng hữu cơ với hơn 20 cánh đồng, diện tích 345ha; chú trọng đồng bộ với chương trình cơ giới hóa, áp dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa nên tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Các vùng chuyên canh rau được đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ hóa tưới tiêu, phát triển sản xuất rau an toàn ổn định với diện tích 42,73ha diện tích chuyên canh, tập trung, trong đó có hơn 13,54ha ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn huyện Hòa Vang đã hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 4ha tại xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Khương, Hòa Phong… Nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, chuyên canh, có sự đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, tạo giá trị kinh tế cao.

Phát triển thủy sản, bảo vệ tài nguyên rừng bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố tập trung phát triển thủy sản theo hướng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền theo hướng vươn khơi, phát triển nghề cá hiện đại. Đến nay, tổng số tàu thuyền trên địa bàn là 1.241 chiếc, trong đó, tàu có chiều dài từ 12m trở lên khai thác tuyến lộng, tuyến khơi là 917 chiếc. Hệ thống thông tin liên lạc được hình thành thông suốt giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền, 100% tàu thuyền thành phố được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá quốc gia Vnfishbase và hình thành 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu thành viên. Hiện dự án đầu tư nâng cấp cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 1) hoàn thành đưa vào hoạt động; công tác triển khai đầu tư trong giai đoạn 2 đang tổ chức thực hiện; vấn đề vệ sinh môi trường được chú trọng nhằm thực hiện tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, hướng đến hình thành Trung tâm thương mại, dịch vụ nghề cá khu vực.

Về quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ngành nông nghiệp thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ hơn 63.044ha diện tích rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2022 đạt là 45,5%, cao hơn tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%; năng suất, chất lượng rừng, triển khai trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn trên địa bàn thành phố được chú trọng. UBND thành phố đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, triển khai lập dự án giám sát rừng từ đề án Xây dựng thành phố thông minh và các nhiệm vụ, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng bền vững, chương trình 1 tỷ cây xanh…

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Đà Nẵng đã và đang chuyển dịch theo đúng định hướng phát triển của thành phố, đẩy mạnh thực hiện 3 lĩnh vực mũi nhọn, gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ và phát triển rừng gắn với trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn. Từ đó, phát triển bền vững, khôi phục kinh tế và tạo sự tăng trưởng bền vững, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Thời gian đến, ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực, quyết tâm và triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch được giao; góp phần cùng với chính quyền xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.