Đà Nẵng làm gì để đạt mục tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025?

.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng có 135 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thành phố và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc đánh giá, phân hạng cho sản phẩm OCOP; từ đó, tận dụng tiềm năng, lợi thế sản phẩm để quảng bá, phát triển thương hiệu OCOP Đà Nẵng.

Nhiều chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Sản phẩm yến sào Tiên Sa (OCOP 4 sao) của Công ty TNHH Yến Sào Tiên Sa được quảng bá tại Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng- Đà Nẵng 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. TRONG ẢNH: Sản phẩm yến sào Tiên Sa (OCOP 4 sao) của Công ty TNHH Yến Sào Tiên Sa được quảng bá tại Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng- Đà Nẵng 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tiếp tục gắn sao cho sản phẩm

Cuối tháng 11-2023, UBND quận Hải Châu triển khai đánh giá, phân hạng, cấp giấy chứng nhận OCOP cho 6 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm sữa chua Sisters Food, chả bò Hùng Hồng được chứng nhận OCOP 3 sao. Hai sản phẩm Đông trùng hạ thảo nguyên con sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo khô sấy thăng hoa của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Đông trùng hạ thảo Đà Nẵng; nến thơm của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Central Việt Nam; Tré Ông Chánh của hộ kinh doanh Nguyễn Chánh được địa phương đề nghị Hội đồng OCOP thành phố công nhận hạng 4 sao.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Đông trùng hạ thảo Đà Nẵng cho biết, hai sản phẩm tham gia OCOP của doanh nghiệp đều được ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất với quy trình nghiêm ngặt, khép kín, sử dụng các nguyên liệu sạch, không chất bảo quản, áp dụng công nghệ sấy thăng hoa và liên tục cải tiến để nâng cao các dưỡng chất. Công ty tiên phong nghiên cứu, nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo loài condyces militaris trong môi trường nhân tạo cho hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội.

Theo đó, sản phẩm được Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) chứng nhận có hàm lượng dược chất vượt trội, không thua kém với sản phẩm tự nhiên (cordycepin >= 9mg/g và Adenosine >= 2,2mg/g). “Qua chương trình OCOP, chúng tôi mong thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến nhiều người dân và du khách; tạo nên thương hiệu sản phẩm OCOP Đà Nẵng chất lượng, mang đến niềm tin cho người tiêu dùng”, anh Sơn chia sẻ.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, đầu tháng 11-2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quận đã xem xét 5 sản phẩm, trong đó: bột nghệ sấy lạnh Tâm Nguyên, yến sào Hải Vân Sơn, đĩa đá ngọc chạm các cầu tại Đà Nẵng được đánh giá 3 sao; khô bò Kinbe, tép lắc bơ được đánh giá 4 sao, đề nghị Hội đồng OCOP thành phố công nhận.

Tại huyện Hòa Vang, qua 4 năm thực hiện, toàn huyện có 21 sản phẩm OCOP với 7 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 13 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã xuất khẩu chính ngạnh đến thị trường nhiều quốc gia. Năm 2023, huyện Hòa Vang dự kiến có thêm 11 sản phẩm được công nhận OCOP với 4 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ để đánh giá vào cuối tháng 12-2023, cùng với thời điểm đánh giá lại 5 sản phẩm đã công nhận năm 2020.

Theo ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, năm 2023 là năm đầu tiên huyện tiếp nhận, đánh giá sản phẩm OCOP trên phần mềm và đánh giá theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Hòa Vang đang phối hợp với đơn vị tư vấn để nhanh chóng hoàn thiện nhập dữ liệu, hồ sơ trên phần mềm đánh giá để trình hội đồng đánh giá cấp huyện.

Khai thác tiềm năng, lợi thế sản phẩm

Bà Đinh Thị Quế, Trưởng phòng Kinh tế quận Hải Châu cho hay, các chủ thể tham gia chương trình OCOP năm nay chú trọng nâng cao chất lượng, hồ sơ thủ tục pháp lý, bao bì, tem nhãn. Với đặc thù là quận trung tâm, việc phát hiện, tìm kiếm và phát triển sản phẩm tiềm năng gặp một số khó khăn nhất định, chủ yếu chỉ tập trung vào nhóm thực phẩm, đồ uống.

Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tìm kiếm, đánh giá những sản phẩm theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Ngoài việc hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, quận còn hỗ trợ các chủ thể trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mang thương hiệu đặc trưng của sản phẩm OCOP Đà Nẵng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn thành phố có 66 sản phẩm được chứng nhận OCOP với 21 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 44 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Trong đó, huyện Hòa Vang có 21 sản phẩm, quận Sơn Trà có 8 sản phẩm, Ngũ Hành Sơn có 5 sản phẩm, Thanh Khê: 9 sản phẩm, Cẩm Lệ: 9 sản phẩm, Hải Châu: 8 sản phẩm, Liên Chiểu: 6 sản phẩm; 29/56 xã, phường có sản phẩm OCOP. Cơ cấu sản phẩm OCOP có sự đa dạng, phong phú về chủng loại, nhóm sản phẩm, cụ thể: nhóm thực phẩm tươi sống có 11 sản phẩm; thực phẩm sơ chế, chế biến có 46 sản phẩm; đồ uống 2 sản phẩm; chè, cà phê 2 sản phẩm; vải, may mặc có 1 sản phẩm; thảo dược 1 sản phẩm; riêng các nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí chưa có sản phẩm OCOP.

Trong năm 2023, các địa phương đã triển khai thành lập hội đồng, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn đã thực hiện đánh giá, các địa phương khác đang triển khai thành lập hội đồng và sẽ đánh giá trong tháng 12-2023. Dự kiến, toàn thành phố có 40 sản phẩm OCOP được công nhận năm 2023, trong đó, 15 sản phẩm được đánh giá, phân hạng lại, 25 sản phẩm OCOP mới.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng gắn với phát triển cộng đồng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, chuẩn hóa sản phẩm OCOP theo 2 hướng là phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế của địa phương, ưu tiên phát triển sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn và các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, có chất lượng nổi trội, đặc sắc và có tiềm năng thị trường. “Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố đã và đang đi đúng định hướng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nhất là nội lực của các chủ thể... từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân”, bà Hậu nhấn mạnh.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Yến sào LifeNest