Hiệu quả bước đầu dự án nhà máy thông minh

.

Giữa tháng 9-2023, Sở Công Thương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cùng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Tập đoàn Samsung) ký kết biên bản ghi nhớ “Phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung”. Sau 3 tháng tham gia dự án, các doanh nghiệp được lựa chọn phát triển nhà máy thông minh đã có những cải tiến bước đầu, tối ưu hóa hệ thống hoạt động.

Kỹ sư làm việc tại Công ty Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q
Kỹ sư làm việc tại Công ty Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q

 Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì công nghiệp, thùng carton và hộp màu, Công ty TNHH Bao bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) trước đây dù đầu tư nhiều máy móc nhưng hiệu quả vận hành chưa cao. Theo đánh giá của Tập đoàn Samsung, dây chuyền sản xuất hộp màu của công ty chỉ ở mức 0,9/5 trên thang điểm nhà máy thông minh do Samsung đưa ra.

Sau 12 tuần với 3 hoạt động của dự án (khảo sát hiện trạng doanh nghiệp và thu thập các dữ liệu liên quan; hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông mình và quản lý về sau), một hệ thống quản lý dữ liệu thông minh tại công ty đã được hình thành, giúp thu thập các dữ liệu theo thời gian thực, chuyển thông tin đến các phần mềm để tổng hợp và đưa ra các đề xuất tối ưu hoạt động, loại bỏ tối đa lao động thủ công trong khâu trung gian. Dựa trên những báo cáo được tổng hợp từ hệ thống phòng điều khiển trung tâm với dữ liệu chi tiết, các kỹ sư cũng dễ dàng nắm bắt được tình hình sản xuất, phối hợp cùng các bộ phận để triển khai sản xuất linh hoạt, kịp thời, tối ưu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Tân Long cho biết, các chuyên gia đào tạo một số chuyên viên công ty hiểu cách đặt vấn đề, xây dựng các hạng mục thiết yếu để xây dựng nhà máy thông minh cho các dây chuyền sản xuất khác. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tại công ty trước khi áp dụng hệ thống khoảng 38-45% nhưng sau khi áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu thông minh, con số này đã lên tới 85%. Như vậy, từ mức 0,9 điểm ban đầu, công ty đã cải thiện lên mức 2,8/5 điểm, vượt 0,3 điểm so với mục tiêu ban đầu của dự án. Công ty đang số hóa và quản lý các dữ liệu trên phần mềm và hệ thống, quan trọng nhất là giúp lãnh đạo công ty quản lý và loại bỏ được những lỗi bất thường gây ra nhiều thiệt hại lớn ở các công đoạn sản xuất.

Một doanh nghiệp tham gia dự án khác là Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services (Trungnam EMS - Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang) với lĩnh vực sản xuất là lắp ráp linh kiện điện tử. Theo kết quả kiểm tra tiêu chuẩn nhà máy thông minh ban đầu thì công ty đạt mức 1/5 điểm và cần cải tiến hệ thống thông tin, vận hành vận chuyển và quản lý thiết bị.

Ông Nguyễn Anh Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Trungnam EMS cho hay, nhà máy sản xuất, lắp ráp các linh kiện điện tử của công ty được cải tiến kiểm soát, quản trị đầu vào, đầu ra về nguyên vật liệu, sản phẩm…, đặc biệt là kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giúp tăng uy tín của công ty đối với khách hàng. Nhà máy đang tăng sản xuất để đáp ứng đơn hàng cho một tập đoàn ở Hoa Kỳ và nỗ lực trở thành một phần trong chuỗi cung cứng tiềm năng của Tập đoàn Samsung. Từ mức 1 điểm, công ty đã nâng lên mức 1,6/5 điểm.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Bao bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Bao bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Được biết, dự án Phát triển nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cùng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được triển khai từ tháng 2-2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh. Sau 2 năm triển khai, số chuyên gia và doanh nghiệp được đào tạo, tư vấn từ dự án này đã vượt mục tiêu ban đầu, với 123 chuyên gia và 52 doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của miền Trung tham gia dự án với 2 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được Samsung tư vấn xây dựng môi trường sản xuất an toàn, sàng lọc và sắp xếp thiết bị và công cụ, xây dựng bảng biểu quản lý bằng excel, giảm thời gian thao tác công đoạn, tối ưu hóa sắp xếp vị trí tại nhà xưởng và sắp xếp lại kho bãi trực quan hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trước khi tham gia dự án, các doanh nghiệp còn thu thập và quản lý dữ liệu một cách cục bộ, các thông tin vận hành quá trình được cập nhật chậm, thường theo đơn vị thời gian ngày hay tuần gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ và hiệu quả ra quyết định của người quản lý. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp được đào tạo và hướng dẫn để hoạch định chiến lược cũng như xây dựng một lộ trình xuyên suốt hướng tới “nhà máy thông minh,” hệ thống quản lý gồm các quá trình được thiết kế lại để tối ưu hóa, bảo đảm dòng chảy thông tin vận hành được thông suốt và liên tục. Từ hiệu quả của dự án, Sở Công Thương đã đề xuất Tập đoàn Samsung tăng thêm số lượng doanh nghiệp Đà Nẵng được hỗ trợ trong năm 2024 và các năm tiếp theo; đồng thời hỗ trợ xây dựng lực lượng tư vấn tại các doanh nghiệp được lựa chọn và một số chuyên gia ở ngoài để từng bước giúp thành phố có một đội ngũ chuyên gia tư vấn đủ mạnh để có thể chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong tương lai khi dự án kết thúc.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.