Từ ngày 15 đến 31-12, nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tập trung xuống giống, gieo sạ vụ lúa đông xuân 2023-2024.
Từ ngày 15 đến 31-12, nông dân toàn thành phố tập trung gieo sạ theo khung thời vụ của vụ sản xuất lúa đông xuân 2023-2024. TRONG ẢNH: Nông dân xử lý đất trước khi gieo sạ tại cánh đồng thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Khẩn trương gieo sạ
Những ngày này, tại các cánh đồng sản xuất lúa của huyện Hòa Vang, nông dân phấn khởi xuống đồng để thực hiện các công đoạn cuối trước khi gieo sạ. Nhiều năm canh tác tại cánh đồng thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) ông Ngô Văn Danh cho biết, vụ lúa đông xuân 2023-2024, gia đình ông thực hiện gieo sạ cho 14 sào ruộng với tổng diện tích 7.000m2 (1 sào 500m2). “Vụ đông xuân luôn cho năng suất cao nên nông dân kỳ vọng ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình sản xuất, định hướng cơ cấu giống, diệt chuột, sâu bệnh hại”, ông Danh nói.
Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến) cho hay, từ ngày 10-12 đến nay, nông dân đã triển khai xuống giống gieo sạ vụ đông xuân 2023-2024 với tổng diện tích sản xuất khoảng 240,5ha và phấn đấu hoàn thành công tác gieo sạ đến ngày 26-12. Thống kê sơ bộ đến ngày 20-12, khoảng 70% diện tích sản xuất đã hoàn thành công tác gieo sạ. Năm nay, cơ cấu giống toàn bộ là các giống lúa trung ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng theo định hướng cơ cấu giống của ngành nông nghiệp thành phố. Đặc biệt, một số giống lúa từ các mô hình trình diễn thành công cũng được đưa vào sản xuất đại trà như VNR20, ST25, ĐT100.
Tại xã Hòa Phong, nông dân trên địa bàn dự kiến sản xuất với tổng diện tích 367,6ha. Tính đến ngày 19-12, có khoảng 200ha diện tích đã hoàn tất gieo sạ. Ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong thông tin, công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa được địa phương triển khai cụ thể đến từng thôn. Trên cơ sở khung thời vụ chung và cơ cấu giống của thành phố, xã đã chỉ đạo lịch xuống giống và cơ cấu giống phù hợp với đặc điểm của từng khu vực; bố trí cơ cấu giống trung ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, phù hợp với xu thế biến đổi khí hậu, kết thúc vụ sớm nhằm tiết kiệm được nguồn nước tưới và tránh được rủi ro do mưa lũ cuối vụ. Xã Hòa Phong cũng yêu cầu các HTX nông nghiệp, thôn… tiếp tục đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, tuyên truyền phát động phong trào giảm lượng giống gieo sạ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức độ gieo sạ đối với sạ lan còn 80-100 kg/ha, sạ hàng còn 60-80 kg/ha, mạ khay máy cấy từ 50-60 kg/ha.
Thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ vụ mùa
Trong vụ lúa đông xuân 2023-2024, toàn thành phố dự kiến sản xuất với tổng diện tích 2.447ha, trong đó, huyện Hòa Vang tập trung sản xuất 2.290ha. Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, công tác làm đất trên các cánh đồng sản xuất đã hoàn thành 100%, nông dân đang tập trung toàn lực để gieo sạ, đáp ứng khung thời vụ và cơ cấu giống của ngành nông nghiệp thành phố. Năm nay, huyện Hòa Vang chủ yếu gieo sạ các giống, gồm: HT1, ĐT100, HN6, J02, Hà Phát 3, VNR20, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, ST25 và giống 13/2 để làm nguyên liệu cho sản xuất mì, bánh tráng…; một số xã trên địa bàn sản xuất thêm giống lúa mới HG12. Huyện Hòa Vang đã thu đổi giống lúa cho nhân dân, phục vụ sản xuất với tổng trọng lượng 1.700 tấn; hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích 20ha và 81,25ha cho việc sản xuất giống lúa mới HG12.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng cơ cấu giống năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục bố trí cơ cấu giống trung ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng và thích nghi tốt với các điều kiện, xu thế biến đổi khí hậu hiện nay; đẩy mạnh sử dụng giống kỹ thuật; qua đó, giảm áp lực cho việc giải phóng đất và bảo đảm công tác thu hoạch, sản xuất giữa 2 vụ đông xuân 2023-2024 và hè thu 2024. Ngoài ra, để có nguyên liệu cho sản phẩm OCOP và một số đặc sản như mỳ quảng, bánh xèo, bánh bèo… sở đã yêu cầu các địa phương có kế hoạch sản xuất cụ thể, phù hợp cho giống lúa 13/2 với quy định không quá 5% diện tích và chỉ được sản xuất tại những vùng quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, không được sản xuất cùng cánh đồng với các giống trung ngắn ngày.
Ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp cho rằng, để vụ sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 đạt hiệu quả cao, Chi cục đã đề xuất giải pháp kỹ thuật để các địa phương triển khai, vận động nông dân áp dụng, bảo đảm kết quả sản xuất. Đối với sản xuất lúa, cần lưu ý các giải pháp liên quan đến khung thời vụ và cơ cấu giống, công tác làm đất, lượng giống gieo sạ; kỹ thuật xử lý hạt giống và ngâm ủ; chế độ nước tưới; việc bón phân, phòng từ cỏ dại…; dự kiến tình hình sinh vật gây hại phát sinh trong vụ đông xuân. Các xã, phường căn cứ thời vụ và tình hình sản xuất cụ thể từng địa phương để tổ chức diệt chuột trước khi vào vụ; đồng thời, duy trì diệt chuột xuyên suốt cả mùa vụ để bảo vệ kết quả sản xuất; thành lập và duy trì các tổ diệt chuột ở các xã tại từng thôn, đội. Trong quá trình diệt chuột, các địa phương tuyệt đối không được dùng điện và thuốc phosphine; không sử dụng bẫy bả bằng thuốc hóa học trong khu dân cư, gây nguy hiểm cho người và động vật; không dùng bao ni-lông, vải màn, chai lọ, áo mưa… để treo, cắm trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan sinh thái…
Theo định hướng khung thời vụ gieo sạ vụ đông xuân 2023-2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khung thời gian gieo sạ sẽ kéo dài từ ngày 15 đến 31-12; gieo sạ tập trung từ ngày 20 đến 31-12. Cụ thể, từ ngày 15 đến 25-12, gieo sạ các giống trung ngày; từ ngày 25 đến 31-12, gieo sạ các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày; riêng giống 13/2 gieo sạ từ ngày 10 đến 15-12. |
VĂN HOÀNG