Nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát giá lương thực toàn cầu

.

Theo phân tích của các chuyên gia Nhật Bản mới đây, sự gia tăng mạnh của giá lương thực toàn cầu vốn gây căng thẳng cho túi tiền của các hộ gia đình Nhật Bản, đã bắt đầu có xu hướng chậm lại.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tuy nhiên, nhìn ở nhiều khía cạnh, đây khó có thể là tín hiệu lạc quan khi lạm phát giá lương thực dường như đang dần chuyển từ rủi ro địa chính trị sang “khủng hoảng khí hậu”.

Tính đến tháng 10-2023, chỉ số giá lương thực thế giới do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tính toán, đã giảm 25% so với mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 3-2022. Mặc dù cuộc khủng hoảng giá lương thực có vẻ đã kết thúc những vẫn cao hơn 27% so với năm 2019, tức là thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19 và giá thực phẩm nói chung có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới không chỉ do ảnh hưởng của rủi ro địa chính trị mà còn do biến đổi khí hậu.

Lấy một ví dụ về sản phẩm đậu nành, mặc dù giá đã giảm khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 3-2022 nhưng mức giảm chỉ bằng khoảng một nửa so với giá lúa mì và ngô, đồng thời vẫn cao hơn 40% so với cuối năm 2019. Điều này một phần đến từ tác động của biến đổi khí hậu tại vựa sản xuất đậu nành là Mỹ và Brazil.

Ông Jeff Magyer, chủ doanh nghiệp sản xuất đậu nành và nhiều loại cây nông nghiệp khác ở bang Ohio, Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản cho biết: “Đây là mùa Hè khô hạn nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, cây trồng cũng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu ánh nắng từ các vụ cháy rừng ở Canada (Ca-na-đa). Chắc chắn sản lượng sẽ sụt giảm đáng kể”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng đậu tương của Mỹ trong tài khóa 2023-2024 sẽ là 112,38 triệu tấn, thấp hơn 3,3% so với vụ thu hoạch trước. Cùng với đó, sản lượng đậu nành của Brazil trong tài khóa 2023-2024 ban đầu dự kiến sẽ là 163 triệu tấn nhưng có thể sẽ giảm 10 triệu tấn do thời tiết khắc nghiệt.

Hiện Nhật Bản đang nhập khẩu khoảng 90% đậu nành từ bên ngoài, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn dùng cho việc chiết xuất dầu ăn và làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn, nên việc sụt giảm sản lượng đậu nành từ nguồn cung Mỹ, Brazil sẽ tác động không nhỏ đến Nhật Bản.

Theo giới chuyên gia nhận định, các vấn đề thời tiết bất thường tác động ngày càng lớn đến môi trường canh tác và nền kinh tế nói chung, hay còn gọi là “khủng hoảng khí hậu”, cho thấy tính cấp bách của việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đối với an ninh lương thực.

Năm nay, nhiều loại ngũ cốc tăng giá do khủng hoảng khí hậu, ví dụ như hạt ca cao nguyên liệu để làm chocolate tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới đã lần đầu tiên tăng đến mức giá cao nhất trong vòng 46 năm trở lại đây do tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Cùng với đó, nguyên liệu đường thô cũng có mức giá cao nhất trong vòng 12 năm do ảnh hưởng của các trận mưa lớn kỷ lục ở Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng ảnh hưởng đến việc phân phối nông sản, bao gồm hạn chế tàu lớn di chuyển qua kênh đào Panama vì mực nước thấp hơn mọi năm.

Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Tokyo và Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo, những bất thường về thời tiết do biến đổi khí hậu sẽ không còn là hiện tượng hiếm gặp trong các năm tới. Điều này sẽ có thể làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát giá lương thực, bất chấp ảnh hưởng từ rủi ro địa chính trị dần được tháo gỡ. Đồng nghĩa với việc, những kỳ vọng về giảm tốc độ tăng giá lương thực trên diện rộng ở Nhật Bản ngày càng xa vời.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.