Phát triển kinh tế số nhanh và bền vững

.

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều thành tích về chuyển đổi số, trong đó kinh tế số khởi sắc. Để có được kết quả đó, thành phố đã triển khai xây dựng nền móng, khai thác hiệu quả, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế số.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên (giữa) đại diện Đà Nẵng nhận giải Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên (giữa) đại diện Đà Nẵng nhận giải Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Kinh tế số đi vào thực tiễn

Theo Công văn số 6590/UBND-STTTT ngày 28-11-2023 của Sở Thông tin và Truyền thông về sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ, tính tới tháng 12-2023, cổng dữ liệu mở đã có hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng và hơn 4,6 triệu lượt truy cập để tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin; 860 bộ dữ liệu và 1,2 triệu lượt gọi dịch vụ từ các ứng dụng.

Năm 2023, thành phố đã đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật thuộc lĩnh vực kinh tế số như giải thưởng chuyển đổi số năm 2023 và 3 giải chuyên đề do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức; ngày 25-9-2023, thành phố tiếp tục nhận được giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul 2023 hạng mục “Thành phố lấy con người, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”; ngày 30-11, thành phố đã nhận giải thưởng Thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Ngoài ra, năm 2023, nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhận được các thành tích tiêu biểu, nổi bật như Giải thưởng Sao Khuê năm 2023 cho hạng mục sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số của sàn thương mại điện tử Selly (Công ty TNHH Selly); Giải thưởng Hiệu suất quản trị (thuộc Chương trình thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam) cho nền tảng chuỗi cung ứng và xưởng sản xuất cho thương hiệu thời trang toàn cầu Wetex (Công ty CP Công nghệ Wetex).

Đến cuối năm 2023, 100% hộ gia đình đã kết nối internet cáp quang băng rộng; 100% phủ sóng mạng 3G-4G toàn bộ trên địa bàn thành phố; hơn 50 trạm phát sóng hạ tầng mạng 5G; hơn 400km cáp quang ngầm, mở rộng kết nối 145 cơ quan, đơn vị đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, hội thảo chuyên đề, khóa học liên quan đến chuyển đổi số, nền tảng phát triển số cho hơn 8.800 người thuộc nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, doanh nghiệp, người dân… tham gia. Với nguồn lực cơ sở hạ tầng bảo đảm, thành phố đã xây dựng được sàn thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp các doanh nghiệp địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Kết quả thống kê cho thấy, tới tháng 12-2023, nền tảng danangtrade.com.vn/ danangtrade.gov.vn đã có hơn 1.770 doanh nghiệp và 2.582 sản phẩm tham gia trên sàn thương mại điện tử thành phố. Có thể nói sự thành công đến từ các chính sách, hành động của thành phố Đà Nẵng đã giúp thúc đẩy kinh tế số và xã hội số trong thời gian qua.

Tạo hành lang thuận lợi phát triển kinh tế số

Ngày 16-8-2023, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030, xác định mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% sản phẩm quốc nội (GRDP) của thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, có tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thành phố đã và đang có những hành động cụ thể để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại thành phần kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Thành phố đang hiện thực hóa những kế hoạch để đưa kinh tế số trở thành mũi nhọn phát triển trong quy mô nền kinh tế, khi đã chủ động hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, vừa qua, UBND thành phố và Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố. Bản ghi nhớ thể hiện cam kết chung, tạo cơ sở hợp tác chính thức trong việc phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng mạng lưới hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số.

Với mong muốn đưa kinh tế số thành mũi nhọn, thành phố đang ưu tiên dành nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số. Nguồn kinh phí hằng năm duy trì tối thiểu 2% ngân sách cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh được nêu trong Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 của UBND thành phố về việc ban hành đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với nguồn kinh phí được bảo đảm, thành phố đang thúc đẩy tiến độ xây dựng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung. Tới nay, kho dữ liệu dùng chung đã áp dụng được đối với dữ liệu có cấu trúc và đang được nghiên cứu, mở rộng phân hệ xử lý đối với dữ liệu phi/bán cấu trúc (dữ liệu camera, Iot, cảm biến...) từ nguồn vốn xây dựng cơ bản đề án Xây dựng Thành phố thông minh.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, từ nguồn đầu tư của thành phố vào trí tuệ, thiết bị, hạ tầng góp phần giúp chuyển đổi số phát huy được những lợi thế, giúp người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức, kỹ năng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quá trình đầu tư, xây dựng kế hoạch sẽ được thực hiện theo phương thức tổng hợp, phân tích hướng tới việc cung cấp nguồn tài nguyên, dữ liệu mở phục vụ các mục tiêu thúc đẩy kinh tế số và xã hội số. Với sự quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ cùng chính sách, cơ chế hỗ trợ sẽ là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, sở cũng đang nỗ lực thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kinh tế số từ Trung ương đến cơ sở, phát triển hệ thống, chương trình hỏi, đáp trợ lý ảo về kinh tế số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.