Mới đây, UBND thành phố đã thống nhất phương án thí điểm tổ chức phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi; đồng thời giao các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện. Việc tổ chức sản phẩm du lịch đêm với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí mới đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.
Khi các hoạt động được tổ chức thí điểm sẽ tạo không gian sôi động cho người dân và du khách về đêm. TRONG ANHR: Cầu Nguyễn Văn Trỗi (bên phải) nhìn từ trên cao. Ảnh: THU HÀ |
Theo phương án thí điểm, vị trí triển khai các hoạt động dịch vụ là phía cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Hải Châu, công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên đường Chương Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) và đường Trần Hưng Đạo (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Thời gian thí điểm diễn ra từ quý 1-2024 đến cuối năm 2028.
Giai đoạn 1, thời gian tổ chức hoạt động hằng ngày từ quý 1-2024 đến hết năm 2024 với các hạng mục chỉnh trang gồm: làm vệ sinh cỏ dại, rác thải khu vực bờ sông Hàn đoạn tiếp giáp công viên bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi; trồng mới và thay thế một số xây xanh đã chết, gãy đổ trong khuôn viên bờ đông; tu bổ sân nền, bờ bao, bồn hoa đã bị hư hỏng, xuống cấp; lắp đặt lan can dọc bờ sông để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách; bổ sung điện chiếu sáng tại công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi và trên cầu. Đồng thời tạo điểm check-in (có điện chiếu sáng) với 2 mô hình trang trí hoa tại sân phía bắc, sân phía nam công viên bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi và kêu gọi các cá nhân, đơn vị đặt các mô hình xe lam cổ, xe cũ làm điểm chụp hình check-in trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; triển lãm ảnh (có điện chiếu sáng) và trưng bày sản phẩm chuyên ngành định kỳ hằng quý; vào các ngày lễ, Tết thay đổi theo chủ đề và tùy tình hình thực tế xen kẽ tại một trong ba khu vực trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, sân tổ chức phía bắc hoặc sân tổ chức nam công viên bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Phương án cũng đưa ra các hoạt động âm nhạc phục vụ người dân và du khách như âm nhạc dân tộc, âm nhạc trữ tình vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần; vũ hội đường phố trên đường Trần Hưng Đạo và đường Chương Dương (quanh khu vực công viên) vào tối thứ Bảy cuối cùng mỗi tháng.
Các sự kiện đồng diễn, nhảy flashmob, lễ hội yoga, nghệ thuật đường phố trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, ngày hội đọc sách, lễ hội bia tại khu vực công viên; tổ chức đi bộ, tham quan, ngắm cảnh và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, âm nhạc đường phố, sự kiện lễ hội trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; tổ chức các dịch vụ thức ăn nhanh, nước giải khát mang đi và sản phẩm lưu niệm…
Với kiến trúc độc đáo, cầu Nguyễn Văn Trỗi rất phù hợp để du khách, người dân đi bộ, ngắm thành phố về đêm. Ảnh: THU HÀ |
Giai đoạn 2 từ năm 2024-2025 tiếp tục triển khai các hoạt động của giai đoạn 1, cải tạo, nâng cấp và khai thác các hoạt động du lịch trên cầu và công viên bờ đông cầu Nguyễn Văn Trỗi. Trong giai đoạn này sẽ nâng cấp đường dẫn lên cầu Nguyễn Văn Trỗi; cải tạo, trang trí quanh khu vực công viên bờ đông của cầu; chỉnh trang dọn dẹp mặt nước và bờ sông Hàn, tổ chức biểu diễn các hoạt động nghệ thuật đường phố, các gian hàng để phục vụ người dân và du khách… Được biết, cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng những năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Cây cầu như một minh chứng của lịch sử chứng kiến sự phát triển của Đà Nẵng qua các thời kỳ. Hiện nay, cầu Nguyễn Văn Trỗi được thành phố giữ lại làm cầu đi bộ phục vụ du lịch.
Việc thành phố có phương án thí điểm khai thác các dịch vụ du lịch tại khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhiều người dân địa phương và những người làm du lịch kỳ vọng sẽ tạo được dấu ấn đặc biệt đối với du khách. Anh Nguyễn Minh Hùng (phường An Hải Tây) chia sẻ, khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi có không gian rất đẹp để tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí. Cũng như các cây cầu khác trong thành phố, cầu Nguyễn Văn Trỗi vừa có yếu tố lịch sử, vừa mang tính thẩm mỹ cao; nếu các sự kiện văn hóa, giải trí được tổ chức tại đây sẽ tạo không gian sôi động, thu hút khách đến tham quan, chụp hình. Về lâu dài, cây cầu cũng trở thành biểu tượng của du lịch thành phố như cầu Sông Hàn hay cầu Rồng… Song, phải làm một cách bài bản, chuyên nghiệp để khu vực này trở thành một điểm đến hấp dẫn và thu hút khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đánh giá cầu Nguyễn Văn Trỗi có kiến trúc rất độc đáo, khác biệt và lâu nay, thành phố đã có hướng khai thác để thu hút khách ở khu vực này. Quan điểm của hiệp hội là làm sao để đưa vào khai thác càng sớm càng tốt, bổ sung thêm sản phẩm mới cho du lịch Đà Nẵng, tuy nhiên, cần xem xét cách làm như thế nào cho phù hợp và hiệu quả nhất. Có thể tổ chức hội thảo để tham khảo thêm các ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực, các chuyên gia nước ngoài hoặc tham khảo các mô hình của quốc tế để tìm kiếm ý tưởng, sản phẩm độc đáo phù hợp với không gian, bối cảnh, kiến trúc tại khu vực dự kiến thí điểm này để thực sự tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn. Điều quan trọng nhất của một sản phẩm mới là phải tạo được sự hấp dẫn và thực sự thu hút khách một cách bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương này của thành phố và trên cơ sở sản phẩm thí điểm, tiến độ triển khai, cộng đồng doanh nghiệp sẽ quảng bá, truyền thông giới thiệu cho đối tác để có thể đưa khách đến ngay.
THU HÀ