Trợ lực thiết thực cho sản xuất công nghiệp nông thôn

.

Các doanh nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp nông thôn được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình khuyến công địa phương, qua đó giúp tiếp sức kịp thời để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.

Công nhân vận hành máy dán cạnh tự động tại Công ty CP Thiết kế mỹ thuật P.A.D.  Ảnh: TRẦN TRÚC
Công nhân vận hành máy dán cạnh tự động tại Công ty CP Thiết kế mỹ thuật P.A.D. Ảnh: TRẦN TRÚC

Đổi mới nhằm phù hợp với thị trường

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đã đầu tư máy in Flexo 4 màu trị giá 3,8 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công. Trước đây, công ty sử dụng in lụa hoàn toàn bằng thủ công nên cần nhiều nhân công để vận hành. Trong khi đó, thiết bị mới giúp quy trình sản xuất của công ty tự động hoàn toàn, giảm thiểu sức lao động, bảo đảm tính an toàn lao động của công nhân; rút ngắn quy trình sản xuất, tích hợp được 4 chức năng (in, nhấn lằn, xẻ rãnh, bế) trong cùng một quy trình vận hành. Cùng với đó, trung bình một năm, việc đầu tư thiết bị máy in Flexo 4 màu có thể giúp giảm lượng phế phẩm lên đến 90 tấn.

Ông Võ Thành Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình thông tin: “Một năm, chúng tôi sản xuất 900 triệu sản phẩm qua các thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu và Hoa Kỳ. Đối với ngành sản xuất bao bì carton nói chung, mẫu mã mỗi ngày đều phải đa dạng, phong phú. Đầu tư máy móc sạch hơn này còn giúp đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường châu Âu. Tuy đầu tư trong thời điểm hiện tại rất khó khăn, nhưng nếu không thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải nhanh chóng. Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, được sự hỗ trợ của thành phố, Sở Công Thương hỗ trợ đầu tư thiết bị để doanh nghiệp bắt kịp thị trường, đây là sự đồng hành quý giá với chúng tôi”.

Từ nguồn vốn khuyến công năm 2023, Công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) được hỗ trợ 441 triệu đồng để đầu tư mới hệ thống sản xuất than củi ép gồm: máy cưa mùn cưa 2 tấn; sàn lồng mùn cưa, máy sấy mùn cưa 1 tấn, máy ép củi mùn cưa, phụ trợ chi tiết thiết bị. Với tổng kinh phí là 2,2 tỷ đồng, hệ thống này có thời gian cháy liên tục 3-5 tiếng, gấp 3-4 lần than hoa thông thường; giúp tiết kiệm thời gian thay than, số lượng than sử dụng và không làm gián đoạn bữa ăn gây bất tiện cho khách hàng.

Ông Phan Duy Phương, Phó Giám đốc công ty cho biết, mục đích đầu tư hệ thống này là hướng đến tương lai. Hiện tại mô hình sản xuất này rất có tiềm năng, bởi vì nhu cầu ăn uống sạch hoặc từ các nhà hàng nên sản phẩm được tiêu thụ rất tốt. Tại thời điểm này, sản phẩm do công ty sản xuất được thị trường đặt hàng rất nhiều, mỗi tháng sản xuất khoảng 50 tấn than nhưng cũng chưa đáp đủ nhu cầu, do đó, qua năm 2024, công ty sẽ nâng gấp đôi công suất.

Tương tự, Công ty CP Thiết kế mỹ thuật P.A.D (thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) được hỗ trợ 265 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công và đã đầu tư máy dán cạnh tự động có tổng kinh phí 919 triệu đồng. Với thiết bị mới này, các sản phẩm do đơn vị sản xuất tiết kiệm trên 60% thời gian gia công và sức lao động của nhân công trong các công đoạn đến khi hoàn thiện được sản phẩm đầu ra. Các thao tác được hoàn thành tự động với độ chính xác cao giúp hạn chế tình trạng ẩm mốc xâm nhập vào đồ gỗ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo độ bền đẹp qua thời gian.

Nguồn vốn nhiều nhất so với các năm

Đây là 3 trong số 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhận nguồn vốn hỗ trợ máy móc thiết bị (đợt 1) theo Chương trình Khuyến công năm 2023 trên địa bàn thành phố do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) triển khai. Đợt này, tổng kinh phí đầu tư của chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị theo diện khuyến công địa phương hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 1,86 tỷ đồng, vốn đóng góp của doanh nghiệp hơn 8,13 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho hay, năm nay, quá trình phê duyệt các đề án triển khai còn chậm nên các đơn vị thụ hưởng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và ký kết hợp đồng đặt mua máy móc thiết bị với các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, mặc dù đã hoàn thành lắp đặt máy móc thiết bị, song các doanh nghiệp thụ hưởng vẫn khó tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào và giải quyết đầu ra của sản phẩm.

“Việc triển khai đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất sẽ là điều kiện giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, phát triển các sản phẩm mới. Có thể thấy, nguồn kinh phí hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng đã tạo cú hích giúp hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp sớm vượt qua những khó khăn đang gặp phải, nhất là trong giai đoạn hiện nay”, ông Hạ nói.

Theo Sở Công Thương, chương trình khuyến công năm 2023, thành phố có sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn với nguồn kinh phí 4,5 tỷ đồng, trong khi các năm trước đây nhiều nhất là 3 tỷ đồng. Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị; đăng ký nhãn hiệu độc quyền; tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì; tham gia các hội chợ triển lãm để xúc tiến thị trường thương mại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai cho rằng: “Đây là sự động viên vô cùng to lớn của thành phố cho ngành công thương cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Với nguồn kinh phí đó, sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện thực hiện các bước khảo sát để lựa chọn những đơn vị đủ điều kiện tham gia chương trình. Nguồn vốn giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo thêm nguồn lực để mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ. Thông qua đó, giúp đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Sở Công Thương đề nghị các đơn vị được thụ hưởng nguồn vốn cần khai thác và phát huy một cách hiệu quả dây chuyền máy móc, thiết bị đã được hỗ trợ để hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng ổn định; qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương cũng như thành phố”.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.