Những người làm du lịch đánh giá, các sự kiện, lễ hội của Đà Nẵng là sản phẩm rất tiềm năng, dễ thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để làm tốt và phát huy hết các giá trị của lễ hội (truyền thống và hiện đại) cần có sự phối hợp hài hòa giữa các bên liên quan để trở thành sản phẩm hấp dẫn dành cho du khách.
Các lễ hội được tổ chức đều thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách. TRONG ẢNH: Người dân, du khách trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Tết Việt diễn ra tại huyện Hòa Vang từ ngày 26 đến 29-1. Ảnh: THU HÀ |
Đa dạng các lễ hội, sự kiện
Một trong những lợi thế của Đà Nẵng là có những lễ hội truyền thống lâu đời như Lễ hội Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn), Lễ hội cầu Ngư; Lễ hội đình làng Hải Châu, Lễ hội Mục đồng (Hòa Vang), Lễ hội làng Túy Loan (Hòa Vang)… mang đậm nét văn hóa địa phương, khắc họa phần nào đời sống tinh thần của người dân bản địa. Những lễ hội này thu hút sự quan tâm không chỉ người dân địa phương mà cả du khách trong nước và quốc tế, bởi thông qua các lễ hội khách sẽ hiểu hơn về văn hóa, tín ngưỡng của con người và vùng đất. Cùng với các lễ hội truyền thống, với mục tiêu hướng đến thành phố sự kiện - lễ hội, Đà Nẵng đang dần cụ thể hóa các giải pháp để định hướng này sớm trở thành hiện thực.
Một trong những sản phẩm đã và đang tạo được dấu ấn đậm nét cho du lịch thành phố là Lễ hội pháo hoa quốc tế được tổ chức qua nhiều năm và trở thành thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có rất nhiều sự kiện, lễ hội lớn trong nước và quốc tế thường xuyên được tổ chức tại Đà Nẵng như: Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng, Lễ hội Du lịch Golf; Lễ hội Ẩm thực quốc tế, Lễ hội chào năm mới, Lễ hội GBA Oktoberfest; Lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, Lễ hội giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc; các khu du lịch cũng có: lễ hội đèn lồng, lễ hội Bà Nà, lễ hội té nước, lễ hội bia... Theo Sở Du lịch, hằng năm, thành phố tổ chức từ 20-30 lễ hội, sự kiện gồm cả các lễ hội truyền thống, dân gian đến các lễ hội giao lưu văn hóa, các lễ hội được tổ chức phục vụ các hoạt động du lịch…
Nâng tầm các lễ hội, sự kiện
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho rằng, xu hướng hiện nay nhiều du khách đi du lịch thích kết hợp với trải nghiệm, khám phá văn hóa địa phương thông qua các sự kiện, lễ hội. Nắm bắt nhu cầu này, thay vì bán tour đơn thuần, công ty đã xây dựng chương trình tour dựa vào lịch lễ hội của thành phố và chia nhỏ các gói ra để bán, mang đến những sản phẩm độc, lạ cho khách hàng. “Thay thế đi tour 3 ngày 2 đêm tại các điểm tham quan, công ty có sản phẩm khám phá lễ hội trong thời gian 1 ngày hoặc nửa ngày tùy vào tính chất, quy mô của lễ hội. Chẳng hạn như trong dịp Tết thì có trải nghiệm đường hoa Tết, tham gia các hoạt động đường phố, ngoài Tết có Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội đình làng, Lễ hội pháo hoa... Khách không chỉ đi du lịch đơn thuần mà có thể hòa mình vào không khí lễ hội, sôi động mang đậm văn hóa của người dân địa phương”, ông Thiện chia sẻ.
Mỗi năm, thành phố tổ chức rất nhiều lễ hội, sự kiện để thu hút khách. TRONG ẢNH: Lễ hội thả diều nghệ thuật 2023 tại biển Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, để khai thác tốt và thu hút khách tại các lễ hội, sự kiện, nhất là lễ hội truyền thống, thành phố cần nâng tầm các quy mô lễ hội hơn nữa. Cụ thể, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông công cộng cần được đầu tư thêm để đáp ứng nhu cầu lượng khách du lịch tăng lên. Điều này giúp cho việc di chuyển và tham gia lễ hội của du khách trở nên thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, thành phố cần đa dạng hóa các lễ hội để tạo sự hấp dẫn và tăng trải nghiệm cho du khách; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá các lễ hội thông qua các kênh truyền thông; phối hợp với các đối tác du lịch như khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch tạo ra các gói du lịch kết hợp với lễ hội. Việc cung cấp các gói du lịch có thể bao gồm vé tham gia lễ hội, lưu trú, ẩm thực địa phương và các hoạt động giải trí, sẽ thu hút sự quan tâm của du khách và tăng cường hoạt động du lịch…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng bày tỏ, so với hai đầu đất nước, Đà Nẵng cần có thêm nhiều sự kiện, lễ hội xứng tầm; nên có những sự kiện mang tính thường niên, có quy mô, được tổ chức ở những không gian mở để thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia. Cùng với đó phải truyền thông rộng rãi hơn nữa về các sự kiện, lễ hội sẽ diễn ra để nhiều người biết và tham dự…Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, khai thác hiệu quả các giá trị của lễ hội và sự kiện sẽ góp phần rất lớn cho phát triển du lịch địa phương; góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo sự khác biệt cho điểm đến, nâng cao năng lực cạnh tranh với các địa phương khác và các quốc gia trong khu vực. “Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế, tạo được dấu ấn, minh chứng là Đà Nẵng đã 2 lần được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới công nhận là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Festival and Event Destination) vào năm 2016 và 2022”, ông Dũng nói.
Thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, áp dụng những chính sách ưu đãi về thủ tục, nguồn lực đầu tư… đối với các sản phẩm du lịch mới, tiềm năng. Trong đó, ngày càng đa dạng hóa và nâng tầm sự kiện, lễ hội trải đều trong năm phục vụ cộng đồng, người dân và du khách. Bên cạnh đó, nỗ lực thu hút, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế uy tín đồng thời tăng sự trải nghiệm của du khách khi đến Đà Nẵng thông qua các lễ hội.
THU HÀ