Cùng với việc huy động các nguồn lực để đầu tư các công viên, vườn dạo và trồng cây xanh, các quận, huyện cũng đề xuất thành phố quy hoạch để đầu tư các vườn dạo, công viên chuyên đề. Những công trình này không chỉ cải thiện môi trường, mà còn góp phần tạo thành không gian mở kết nối với biển, sông... tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái.
Công viên chuyên đề văn hóa, vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ phía đông nam Đài tưởng niệm thành phố giai đoạn 2 (Asia Park, quận Hải Châu) sẽ được đầu tư trong những năm đến. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Không gian nhiều tiện tích
Những ngày đầu năm 2024, trên khu đất rộng 4.000m2 ở góc đường Tố Hữu và Hưng Hóa 3 (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), các công nhân khẩn trương thi công các hạng mục còn lại của Công viên Bình An. Công trình này được UBND quận Hải Châu đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng với nhiều hạng mục, tiện ích phục vụ người dân như quảng trường, sân khấu, sân vườn, cây xanh, ghế đá, bệ ngồi, khu tập thể dục và khu vui chơi trẻ em; 2 sân thi đấu cầu lông, vịnh dừng xe; thiết bị phụ vụ tập thể dục, thiết bị vui chơi cho trẻ em...
Cách đó không xa, các công nhân cũng đang tập trung thi công các hạng mục còn lại của công viên ở đường Lê Bá Trinh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) với tổng mức đầu tư hơn 3,23 tỷ đồng, như sân nền, cây xanh, cảnh quan, vườn dạo, khu cà phê sách (2 tầng), sân cầu lông, sân khấu, khu tập thể dục, khu vui chơi trẻ em...
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hải Châu Đặng Văn Hiếu cho biết, 2 công viên nói trên sẽ được quận hoàn thành thi công và đưa vào phục vụ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn để nhân dân vui Tết. Trước đó, quận đã đầu tư và đưa vào hoạt động 2 công viên, vườn dạo ở phường Thanh Bình và Nam Dương với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng. Hiện quận đang đăng ký với thành phố thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư thêm 2 công viên, vườn dạo.
Trên địa bàn quận Sơn Trà có 47 khu đất được quy hoạch làm công viên, vườn dạo với tổng diện tích hơn 13ha. Theo đó, triển khai đề án Xây dựng công viên, vườn dạo trên địa bàn quận Sơn Trà giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021 đến nay, quận đã đầu tư hệ thống hạ tầng, điện chiếu sáng, thiết bị vui chơi, tập thể dục; vận động xã hội hóa việc trồng cây xanh tại 13 công viên, vườn dạo.
Trong năm 2024 và 2025, quận tiếp tục đầu tư hạ tầng và kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cây xanh để trồng tại các công viên, vườn dạo còn lại. Đồng thời, đề xuất thành phố quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên chuyên đề về tre kết hợp trung tâm hành chính quận Sơn Trà tại khu đất sau khi di dời Đài phát sóng - phát thanh An Hải (phường An Hải Bắc) với tổng diện tích đất 7,95ha và xây dựng nhà trưng bày tre Việt tại đây.
Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà bày tỏ, quận rất mong muốn xây dựng một công viên chuyên đề với tất cả các loại tre ở khu đất sau khi di dời Đài phát sóng - phát thanh An Hải và có một nhà trưng bày tre Việt tại đây để người dân, du khách có thể thưởng lãm, trải nghiệm tất cả các hình ảnh, giá trị của tre, thậm chí là thưởng thức ẩm thực liên quan đến tre như cơm lam, măng... đồng thời sử dụng mâm, thìa, đũa... bằng tre để ăn. Cùng với đó là khu bày bán sản phẩm lưu niệm bằng tre. “Chúng tôi cũng đang có một ý tưởng tạo ra một khu thực tế ảo để người dân, du khách xem được quá trình sinh trưởng, phát triển của tre; người Việt sử dụng tre trong lao động, sản xuất, đời sống hằng ngày, chống giặc ngoại xâm... tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo”, ông Hoàng Sơn Trà chia sẻ.
Bên cạnh công viên chuyên đề tại khu đất sau khi di dời Đài phát sóng - phát thanh An Hải, theo đồ án Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông (tỉ lệ 1/2.000) được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 2451/QĐ-UBND ngày 7-11-2023, trên địa bàn quận Sơn Trà còn có quy hoạch công viên chuyên đề tại Khu đô thị vịnh Thuận Phước, công viên chuyên đề ở phía nam bán đảo Sơn Trà.
Không gian mở hài hòa, sinh thái
Cùng với 3 công viên chuyên đề nói trên, trong đồ án Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông cũng xác định các công viên lớn như công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, công viên Thanh Niên, công viên Châu Á, công viên hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi, công viên APEC. Các công viên lớn kết hợp với không gian mặt nước (sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, Biển Đông, vịnh Đà Nẵng...) và các hành lang xanh dọc theo các con sông chính là hệ thống không gian mở tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Cụ thể, không gian ven bờ biển phía đông thành phố được tạo thành từ việc tổ chức các không gian công viên, quảng trường, kết nối bằng các tuyến cây xanh, lối đi bộ...
Không gian cảnh quan dọc sông Hàn là không gian mở chính của khu vực trung tâm thành phố, được nâng cấp, cải tạo, bố trí thêm hành lang xanh, các không gian công cộng, tổ chức chiếu sáng nghệ thuật, để phát huy lợi thế của dòng sông. Không gian Quảng trường trung tâm (khu vực Thành Điện Hải, Trung tâm hành chính thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng...) được đầu tư, cải tạo, nâng cấp xứng tầm là không gian mở quan trọng, gắn với giá trị của thiên nhiên của dòng sông Hàn. Các không gian mở khác như Công viên 29 Tháng 3, Quảng trường 29 Tháng 3, các quảng trường biển, công viên tại các trung tâm kinh doanh và thương mại... được cải tạo, nâng cấp phục vụ người dân và là điểm đến quan trọng.
Còn theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023, các không gian mở, vườn dạo trong các khu dân cư sẽ được bổ sung nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho dân cư đô thị. Cùng với đó, hàng loạt công viên sẽ được đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư như các công viên biển dọc vịnh Đà Nẵng và bờ biển phía đông thành phố; công viên, vườn dạo kết hợp thương mại, dịch vụ dọc tuyến mương Suối Đá (quận Sơn Trà); công viên chuyên đề văn hóa, vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ phía đông nam Đài tưởng niệm thành phố giai đoạn 2 (Asia Park, quận Hải Châu); công viên bách thảo, bách thú khu vực hồ Đồng Xanh, Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang); công viên chuyên đề vui chơi, giải trí và bách thảo (huyện Hòa Vang); công viên chuyên đề văn hóa lịch sử huyện Hòa Vang...
Huyện Hòa Vang cũng đang đề xuất đầu tư thêm 9 khu vui chơi, vườn dạo tại các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phú, Hòa Sơn (riêng xã Hòa Sơn có 5 vườn dạo). Đồng thời, đầu tư 1 khu công viên, vườn dạo tại tổ 5, thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh; 3 khuôn viên cây xanh, vườn dạo tại 3 thôn An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2 và An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn..., nhằm giúp huyện đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại 4 để trở thành thị xã.
HOÀNG HIỆP