Làm mới sản phẩm du lịch

.

Năm 2023, du lịch được đánh giá là một trong những lĩnh vực có sự phục hồi, tăng trưởng đáng kể. Tuy chưa được như kỳ vọng, song ngành du lịch thành phố đã và đang nỗ lực tìm hướng đi mới, tập trung phát triển các sản phẩm để thu hút khách trong thời gian tới.

Các khu điểm du lịch đang nỗ lực bổ sung thêm sản phẩm mới để thu hút khách.  Trong ảnh: Khách tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ
Các khu điểm du lịch đang nỗ lực bổ sung thêm sản phẩm mới để thu hút khách. TRONG ẢNH: Khách tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Sở Du lịch cho biết, khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2023 đạt khoảng 7,39 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2022; trong đó khách quốc tế dự kiến đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn gấp 4,2 lần so với năm 2022; khách nội địa dự kiến đạt hơn 5,41 triệu lượt, tăng 66% so với năm 2022.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2023 về số lượng khách, ngành du lịch thành phố vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế như sản phẩm du lịch vui chơi giải trí dưới nước bước đầu phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng; chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng, một số tiện ích như hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hạ tầng một số khu nhà tắm nước ngọt tuyến biển Nguyễn Tất Thành đã xuống cấp… Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn về nguồn vốn, tiền thuê đất ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ hiện có; việc tuyển dụng các vị trí lãnh đạo, quản lý, trưởng bộ phận, nhân viên có trình độ chưa đạt yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đồng đều…

Theo dự báo, năm 2024 tình hình kinh tế đối mặt với suy thoái toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, khách có xu hướng chọn các điểm đến gần, gây trở ngại cho việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế. Sự cạnh tranh giữa các điểm đến trong nước và quốc tế như Thái Lan, Bali (Indonesia), Nha Trang, Sa Pa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn còn gay gắt với chính sách mở về visa, chính sách giá, chương trình kích cầu, trợ giá sản phẩm mới…

Thị hiếu khách của một số thị trường tiềm năng cũng có nhiều biến động như Trung Quốc (năm 2019 chiếm tỷ lệ 20%) chưa có dấu hiệu phục hồi; thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng; thị trường Hàn Quốc, Đài Loan đang có dấu hiệu bão hòa. Du khách có xu hướng tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe, tinh thần.

Du khách tham quan thành phố bằng xích lô.  Ảnh: THU HÀ
Du khách tham quan thành phố bằng xích lô. Ảnh: THU HÀ

Bổ sung  sản phẩm mới

Trước thực tế đó, ngành du lịch thành phố cần phải nỗ lực chuẩn bị sản phẩm du lịch bằng cách triển khai các dự án du lịch; tổ chức các sự kiện lễ hội đặc sắc quy mô lớn nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút khách. Bà Phạm Tú Cầu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sun Group vùng miền Trung đánh giá sản phẩm du lịch mới chính là chìa khóa để du lịch Đà Nẵng bứt tốc. Vì thế, Tập đoàn Sun Group luôn cố gắng kiến tạo hệ sinh thái sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, có chất lượng vượt trội. Trong năm tới, để mang đến những sản phẩm du lịch mới hơn, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills tiếp tục gia tăng thêm các sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách trong nước và quốc tế trong đó tâm điểm là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF); tổ chức các lễ hội suốt 4 mùa, các chợ đặc sản vùng miền, không gian văn hóa Việt Nam…

Bà Phạm Tú Cầu cũng mong muốn thành phố có chiến lược đầu tư cho DIFF với hệ thống cơ sở vật chất đạt chất lượng cao như một quảng trường hay sân khấu, khán đài pháo hoa quy mô lớn, để góp phần nâng tầm vị thế DIFF, đưa Đà Nẵng trở thành “điểm đến pháo hoa mới của thế giới”; hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách trong thời gian diễn ra DIFF và cả sau khi lễ hội kết thúc.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama resort Đà Nẵng cho rằng để phát triển du lịch bền vững thì phải có nguồn nhân lực chất lượng, bảo đảm. Bên cạnh đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng), du lịch cưới để thu hút đa dạng và phong phú hơn các thị trường khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Hoài An, năm 2024, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung truyền thông, quảng bá thông điệp “Tận hưởng Đà Nẵng - Enjoy Da Nang 2024” với các nhóm sản phẩm du lịch gồm: nhóm tận hưởng vui chơi giải trí, giải trí về đêm, mua sắm; nhóm tận hưởng ẩm thực; nhóm tận hưởng nghỉ dưỡng biển; nhóm tận hưởng MICE; nhóm tận hưởng Golf; nhóm tận hưởng du lịch cưới; nhóm tận hưởng sắc màu lễ hội; nhóm sản phẩm liên kết…

Ngoài ra, ngành du lịch sẽ cơ cấu lại và mở rộng xúc tiến các thị trường khách tiềm năng; tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới để có hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp với từng thị trường và sản phẩm điểm đến; phối hợp với doanh nghiệp du lịch tổ chức chương trình kích cầu du lịch có chất lượng để thu hút du khách.

Đồng thời, ngành du lịch cũng làm việc với các hãng hàng không, tập đoàn lớn tập trung nguồn lực để xúc tiến khôi phục lại các đường bay quốc tế thường kỳ, các chuyến bay thuê chuyến từ Trung Quốc, đường bay Đà Nẵng - Doha (Qatar) để kết nối lại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; đường bay Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Philippines… đến Đà Nẵng, xúc tiến đường bay Úc, Kazaktan, Uzerbekistan...

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.