Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về xây dựng đô thị phát triển bền vững

.

Chiều 16-1, UBND thành phố Đà Nẵng và chính quyền thành phố Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ 12. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh, Đà Nẵng và thành phố Yokohama bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 2013, đặc biệt là đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, Diễn đàn phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tại đây, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp đến từ thành phố Yokohama đã chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về xây dựng đô thị phát triển bền vững. Đà Nẵng đã chọn Yokohama là thành phố kiểu mẫu để tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển và vận hành cảng biển, quy hoạch đô thị, phát triển bền vững... Đến nay, thành phố Yokohama đã tạo nhiều điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong quá trình chuẩn bị quy hoạch, định hướng hỗ trợ phát triển một số dự án chiến lược.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đại biểu tham dự Diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đánh giá cao các nội dung lớn, cấp thiết trong Diễn đàn phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng lần thứ 12 gồm: khu công nghiệp sinh thái, quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác), phát triển đô thị thông minh, đánh giá địa phương tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VLR) của Liên Hợp Quốc, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp của Đà Nẵng và Nhật Bản... Thành phố ghi nhận những ý tưởng, giải pháp đề xuất của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp ở thành phố Yokohama và xem đây là nguồn tư liệu quan trọng để thành phố nghiên cứu, hoạch định những chính sách, hướng đến xây dựng thành phố phát triển bền vững.

Đồng thời, thành phố Đà Nẵng đề nghị thành phố Yokohama cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm; kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác hiện đại theo hình thức xã hội hóa; giải pháp kiểm soát rác thải nhựa; quy hoạch cao độ nền thoát nước thải và thoát nước mưa, đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước, hình thành bản đồ ngập lụt...; qua đó cũng mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ tư vấn hoặc tìm các nhà tư vấn có kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD)...

Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng Yakabe Yoshinori đánh giá cao 2 thành phố đã có hợp tác, liên kết trong nhiều lĩnh vực và nhấn mạnh, thành phố Yokohama là một hình mẫu rất đáng để tham khảo khi Đà Nẵng thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn. Việc quan hệ hợp tác, liên kết với thành phố Yokohama là rất hữu ích đối với Đà Nẵng. Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tối đa để mối quan hệ giữa 2 thành phố phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Hashimoto Toru, Tổng Giám đốc Cục Hợp tác quốc tế thành phố Yokohama chia sẻ, trong hơn 10 năm qua, thành phố Yokohama đã chia sẻ nhiều kiến thức về phát triển đô thị, cùng chung tay hợp tác để nỗ lực giải quyết những vấn đề hiện có của thành phố Đà Nẵng; đồng thời, đã phối hợp xây dựng chương trình phát triển đô thị, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, dự án Nâng cấp thiết bị tại nhà máy nước để giảm phát thải carbon, dịch vụ đánh giá và lập kế hoạch thực hành tiết kiệm năng lượng...

Ông Hashimoto Toru cũng bày tỏ, khi thành phố Đà Nẵng có ý định tham gia đánh giá địa phương tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VLR) của Liên Hợp Quốc, thành phố Yokohama ủng hộ và mong muốn Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dẫn dắt trong khu vực châu Á để cùng nhau hướng tới phát triển bền vững và xã hội trung hòa carbon. Việc này cũng sẽ giúp cho Đà Nẵng quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư cũng như thu hút thêm nguồn lực hỗ trợ để Đà Nẵng xây dựng và phát triển hơn nữa.

Ông Hashimoto Toru đề xuất thành phố Đà Nẵng nghiên cứu mô hình Minato Mirai 21 như là một hình mẫu để tái thiết đô thị và xây dựng mô hình TOD, nhất là xây dựng đô thị cảng, đô thị sân bay...; đồng thời đề nghị JICA, WB, ADB... tiếp tục hỗ trợ thành phố Đà Nẵng nhiều hơn nữa để thành phố phát triển theo đúng các quy hoạch đã được công bố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.