Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm

.

Những ngày sau Tết, các doanh nghiệp sản xuất tăng tốc để hướng tới những mục tiêu sản xuất kinh doanh mới với nhiều kỳ vọng khởi sắc.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q 

Doanh nghiệp dệt may phát triển khách hàng mới

Trở lại làm việc với lực lượng lao động tương đối đầy đủ (trên 80% nhân sự), không khí làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3 đi vào “guồng quay” tất bật để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết, trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của công ty đạt 1.125 tỷ đồng, bằng 101% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 66,3 triệu USD, bằng 89% so cùng kỳ. Năm 2024, dự kiến thị trường dệt may còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới chưa được hồi phục. Qua những giải pháp tích cực đã củng cố thêm niềm tin với các khách hàng truyền thống và cam kết tiếp tục hợp tác với công ty. Bên cạnh đó, công ty phát triển thêm một số khách hàng mới, thị trường mới bảo đảm đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 6-2024.

Năm 2023, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận riêng sau thuế của Hòa Thọ gần 172 tỷ đồng, bằng 61,6% so với cùng kỳ. Đại diện Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho hay, năm 2023, ngành dệt gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tổng thể nhu cầu thị trường vẫn thấp và dự báo kéo dài đến quý 2-2024.

Hiện Dệt may Hòa Thọ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai như Nhà máy may Triệu Phong (Quảng Trị) giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị, tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra công ty vẫn đang tuyển dụng khoảng 50 lao động may cho Nhà máy may Hòa Thọ 1 để đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao mở rộng sản xuất

Hơn 5 năm hoạt động tại Khu Công nghệ cao (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD để sản xuất, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu y tế đặc thù trong lĩnh vực nha khoa như máy chụp cắt lớp CT, máy quét CAD/CAM, máy tiện CAD/CAM, động cơ máy mài dùng trong nha khoa, răng implant (nhân tạo) và ghế nha khoa (có hoặc không có kèm theo thiết bị nha khoa). Đến nay, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Dentium dự kiến cho 3 giai đoạn sản xuất của Công ty TNHH ICT Vina là 400 triệu USD.

Ông Shim Woo Hyeong, Phó Giám đốc Công ty TNHH ICT Vina thông tin, doanh thu công ty năm 2023 đạt 10 triệu USD, cải thiện rất nhiều so với giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng Covid-19. Mục tiêu doanh thu công ty năm 2024 là 18 triệu USD. Để đạt mục tiêu trên, công ty đã hoàn thành đầu tư sản xuất giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 với kinh phí khoảng 277 triệu USD. Dự kiến quý 3-2024 sẽ vận hành chính thức nhà máy giai đoạn 2 với mục tiêu sản xuất các sản phẩm y tế “made in Việt Nam” để xuất khẩu.

Các công nhân của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng ra quân sản xuất liên tục 3 ca từ ngày mồng 5 tháng Giêng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các công nhân của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng ra quân sản xuất liên tục 3 ca từ ngày mồng 5 tháng Giêng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cũng hoạt động tại Khu Công nghệ cao 5 năm, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam đến nay đạt quy mô nhân sự hơn 900 người và vẫn đang tuyển dụng nhiều vị trí để sẵn sàng cho giai đoạn 2 của dự án Nhà máy hàng không linh kiện vũ trụ Sunshine. Ông Ciprian Bota, Giám đốc vận hành Công ty UAC Việt Nam cho hay, công ty luôn hướng đến đội ngũ lao động chất lượng cao, hiệu quả với khả năng ngoại ngữ tốt để hòa nhập vào chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.

Có thể nói, nhân lực tại khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đáp ứng rất tốt những yêu cầu của Tập đoàn chủ quản Montana Aerospace (Hoa Kỳ) đặt ra. Trong năm 2024, công ty tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố để hỗ trợ các sinh viên về kỹ năng cũng như tạo môi trường để thực hành, nâng cao tay nghề cho các kỹ sư mới tốt nghiệp.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin, năm 2024 và 2025 sẽ có một số nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài Công ty TNHH Điện tử Foxlink Đà Nẵng khả năng sẽ đầu tư giai đoạn 2 và các giai đoạn tiếp theo, có một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản dự kiến xây dựng nhà máy trên 50ha đất tại Khu Công nghệ cao. Do đó, đơn vị đang xin chủ trương điều chỉnh cục bộ Khu Công nghệ cao để dành đất cho sản xuất. Sau này khi mở rộng thêm sẽ nghiên cứu tỷ lệ đất sản xuất và các phân khu khác phù hợp. Mục tiêu trong năm 2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan phấn đấu thu hút ít nhất 3 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Các dự án tập trung vào 3 mũi nhọn chính, gồm: công nghệ hàng không vũ trụ, vi mạch bán dẫn và ngành y tế chất lượng cao.

MAI QUẾ

Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 283 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 125 triệu USD, tăng 2,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 158 triệu USD, tăng 3,3%.

Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố 2 tháng đầu năm 2024 gồm: hàng dệt may ước đạt 76 triệu USD, tăng 2,3%; thủy sản 32 triệu USD, tăng 1,3%; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ 3,4 triệu USD, tăng 2,4%; đồ chơi trẻ em 14,6 triệu USD, tăng 2,1%; cao su thành phẩm 22,3 triệu USD, tăng 3,2%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 99 triệu USD, tăng 3,1%... Lũy kế giá trị nhập khẩu trên địa bàn thành phố trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 158 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2023.

Về tình hình thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 11.709 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2023... Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ra quân sản xuất vào ngày mồng 10 tháng Giêng (ngày 19-1). Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng sớm nên ra quân sản xuất sớm hơn (từ ngày mồng 4 đến mồng 7 tháng Giêng). Các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố đã sớm đặt ra kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng ngay sau Tết Giáp Thìn để phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2024. (HOÀNG HIỆP)

 

 

;
;
.
.
.
.
.