Khởi sắc thu hút đầu tư nước ngoài

.

Thành phố đã và đang tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, song song với thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thương mại - dịch vụ. Những tín hiệu thu hút đầu tư nước ngoài ngay từ đầu năm 2024 báo hiệu một năm đầy sôi động trong thu hút đầu tư của thành phố.

Lễ động thổ dự án Nhà máy linh kiện hàng không KP Vina của Tập đoàn KP Aero Industries (Hàn Quốc) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng ngày 30-1. Ảnh: MAI QUẾ
Lễ động thổ dự án Nhà máy linh kiện hàng không KP Vina của Tập đoàn KP Aero Industries (Hàn Quốc) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng ngày 30-1. Ảnh: MAI QUẾ

Đồng hành Đà Nẵng phát triển công nghiệp bán dẫn

Đà Nẵng được các bộ, ngành và doanh nghiệp đánh giá là địa phương đi đầu, tiên phong trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đã được thành lập và ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Synopsys (Hoa Kỳ) về hợp tác trong đào tạo thiết kế vi mạch.

Synopsys là một trong ba tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về lĩnh vực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) chuyên dụng trong sản xuất vi mạch, IP bán dẫn (lõi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực vi mạch). Hai tập đoàn còn lại là Cadence và Mentor Graphics (đều ở Hoa Kỳ), cả ba tập đoàn trên kiểm soát tới 70% thị trường EDA toàn cầu. Đà Nẵng đang định hướng đào tạo kỹ sư nắm bắt các các công cụ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế của các tập đoàn Synopsys, Cadence, Mentor Graphics...

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh khu vực Nam Á, Tập đoàn Synopsys, cho rằng: “Năm nay, Synopsys đã tăng gấp đôi nguồn nhân lực tại Đà Nẵng và hiện đang thuê nơi làm việc tại tòa nhà F.Home. Những năm đến, chúng tôi hy vọng được làm việc tại Khu công viên phần mềm số 2 và rất muốn phát triển mạnh hơn nữa tại Việt Nam, đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng. Ba tháng qua, chúng tôi đã tư vấn cho thành phố Đà Nẵng về hướng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và gặp gỡ với nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố để có chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế cho ngành này. DSAC được thành lập không chỉ chức năng chính là nghiên cứu và đào tạo, mà còn có thêm hai chức năng là thu hút đầu tư và kết nối quốc tế, nhất là có thể từ Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc bất cứ thị trường nào chấp thuận chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này để kết nối và cung cấp nguồn nhân lực cũng như thu hút các tập đoàn lớn vào Đà Nẵng”.

Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn của Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cũng vừa được trao giấy chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Tập đoàn Cadence (Cadence Design Systems). Ông Seow Choo Han, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Cadence, cho rằng: “UBND thành phố Đà Nẵng và Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cho Tập đoàn Cadence có cơ hội đồng hành cùng thành phố trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Chúng tôi nhận thấy tại Việt Nam đang gặp thách thức trong việc tuyển dụng kỹ sư trong lĩnh vực này nên đã làm việc với các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương, các trường đại học để hợp tác, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực về vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, cung cấp các bộ phần mềm, các chương trình giảng dạy cho các cơ sở đào tạo và quyền truy cập vào các chương trình đào tạo trực tuyến của Tập đoàn Cadence cho sinh viên. Ngoài ra, Tập đoàn Cadence còn trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo đặc thù, cung cấp chương trình đào tạo... Chúng tôi tin chắc rằng, sự hợp tác này của Tập đoàn Cadence tại Việt Nam sẽ rất thành công”.

Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng nhấn mạnh: “Sau chuỗi sự kiện bước đầu như thành lập DSAC, ký kết hợp tác ba bên là Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Đại học Duy Tân và Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu... thể hiện sự thúc đẩy nhanh chóng của thành phố trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Hiện tại, nhu cầu về nguồn nhân lực làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn rất lớn, đang xảy ra tình trạng khan hiếm. Do đó, một trong những giải pháp hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp này là phát triển nguồn nhân lực chuyên môn trong nước, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao, ổn định, có sức cạnh tranh để thu hút được các công ty vi mạch thế giới đến hoạt động tại Việt Nam. Đà Nẵng đang tập trung xây dựng một chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trước mắt là tập trung vào khâu thiết kế vi mạch và phát triển nguồn nhân lực vi mạch”.

Đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Công ty KP Aero Industries với dự án Nhà máy KP Aero Space Việt Nam. Ảnh: M.QUẾ
Đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Công ty KP Aero Industries với dự án Nhà máy KP Aero Space Việt Nam. Ảnh: M.QUẾ

Nỗ lực thu hút đầu tư

Trong những ngày đầu năm 2024, thành phố trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty KP Aero Industries với dự án KP Aero Space Việt Nam có tổng giá trị đầu tư gần 20 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án này đã được động thổ ngày 30-1 vừa qua. Mục tiêu của dự án này nhằm sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận của máy bay, bao gồm: cửa động cơ phụ (APU Door), đầu MIC (MIC tip), hộp cánh (Wingbox), cánh lượn (Winglet), dàn hỗ trợ cánh tả (Flap support fairing) của các dòng máy bay Boeing 787, Boeing 737 Max. Đây là dự án thứ hai trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) sau Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Hoa Kỳ). Ông Lee Jai Choen, Chủ tịch Công ty TNHH KP Aero Space Vietnam, đánh giá nhân lực đào tạo tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty. Thời gian tới, công ty kỳ vọng sớm liên kết để hình thành cụm sản xuất linh kiện hàng không trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Thành phố cũng vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam với dự án Trung tâm thương mại MM Mega Market Danang có tổng giá trị đầu tư gần 20 triệu USD trên khu đất mà công ty trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu). Giám đốc Công ty TNHH MM Mega Market Regis Delesque cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng một khu siêu phức hợp với các cửa hiệu bán hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim, quán cà phê... với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2025”.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.020 dự án FDI (trong và ngoài khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư trên 4,27 tỷ USD. Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, năm 2023, đơn vị cấp mới 19 dự án, trong đó có 14 dự án trong nước, vốn đầu tư đăng ký 2.490 tỷ đồng; 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đầu tư đăng ký 156,43 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh 94 lượt dự án, trong đó có 21 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư 242,13 tỷ đồng và 47 triệu USD. Ông Vũ Quang Hùng cũng cho biết, đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, tập trung thu hút dự án theo định hướng phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai công tác mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, lựa chọn nhà đầu tư các khu công nghiệp mới, qua đó tạo quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp, dự án sản xuất.

HOÀNG HIỆP - THU HÀ - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.