Nhiều doanh nghiệp ra quân sản xuất đầu năm

.

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ra quân sản xuất đầu năm nhằm hoàn thành các đơn hàng và đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như xuất khẩu. 

Các công nhân ở dây chuyền đóng lon và đóng chai của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng sản xuất liên tục 3 ca, 4 kíp từ ngày mồng 5 tháng Giêng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các công nhân ở dây chuyền đóng lon và đóng chai của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng sản xuất liên tục 3 ca, 4 kíp từ ngày mồng 5 tháng Giêng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại dây chuyền đóng lon và đóng chai của Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh), từ ngày 14-2 (mồng 5 tháng Giêng), các công nhân đã trở lại làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường sau Tết. Dù dây chuyền này có công nghệ tiến tiến từ các nước châu Âu, nhưng với công suất đóng lon bia đến 96.000 lon/giờ và đóng chai bia 50.000 chai/giờ nên các công nhân túc trực theo dõi, kiểm tra, vận hành đồng bộ và liên tục gần 10 khâu khác nhau nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng bộ phận đóng gói của công ty cho biết: “Do yêu cầu của đơn hàng sau Tết nên từ ngày mồng 5 tháng Giêng đến nay, chúng tôi bố trí công nhân làm việc liên tục với 3 ca và 4 kíp để giám sát, kiểm tra, vận hành hệ thống dây chuyền an toàn ở tất cả các khâu như: kiểm tra lon và chai rỗng, rửa lon và chai, chiết bia, kiểm tra sau chiết, thanh trùng, đóng chai và lon, đóng thùng và đưa các thùng vào kho trước khi đưa ra thị trường”.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại cấp cao của Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam cho hay, do trong dịp Tết, sản phẩm tiêu thụ tốt nên không có tồn kho. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ sau Tết, từ mồng 5 tháng Giêng, công nhân ở các bộ phận sản xuất đã đi làm. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng, tất cả các cán bộ, công nhân và toàn bộ nhà máy đã hoạt động bình thường trở lại.

Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (Khu công nghiệp Liên Chiểu), hơn 200 công nhân của Xí nghiệp cán luyện đã bắt tay ngay vào sản xuất từ mồng 5 tháng Giêng. Các công nhân được bố trí làm việc liên tục 3 ca tại 10 dây chuyền cán luyện cao su ở 2 xưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Ngãi, Giám đốc Xí nghiệp cán luyện thông tin: “200 công nhân ở 2 xưởng cán luyện cao su của xí nghiệp làm việc trước 2 ngày để có nguyên liệu cho các xưởng và xí nghiệp khác gia công ở các khâu tiếp theo và hoàn thiện. Chúng tôi đang trông đợi một phân xưởng sản xuất nữa có công nghệ tiên tiến của Ý sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ cuối tháng 10-2024 sẽ nâng cao tốc độ sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường khó tính”.

Còn ông Hồ Văn Dũng, Trưởng phòng Nhân sự - Tiền lương thuộc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho hay: “Ngày 17-2, toàn bộ hơn 1.800 cán bộ, công nhân của toàn công ty (5 xí nghiệp sản xuất, 2 xí nghiệp phục vụ) đi làm lại bình thường”.

Tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), từ mồng 6 tháng Giêng, công nhân đã quay trở lại làm việc để bảo đảm các đơn hàng. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 124,1 triệu USD, sản lượng xuất khẩu đạt 12.568 tấn; doanh thu được 2.953 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 6,2 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho hay, doanh nghiệp luôn tạo điều kiện cho công nhân làm việc và bảo đảm sức khỏe cho công nhân để tăng năng suất lao động. Trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng tưởng khoảng 10% so với năm 2023. Thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu là các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản.

Các công nhân ở Xí nghiệp cán luyện thuộc Công ty CP Cao su Đà Nẵng ra quân sản xuất trở lại liên tục 3 ca từ ngày mồng 5 tháng Giêng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các công nhân ở Xí nghiệp cán luyện thuộc Công ty CP Cao su Đà Nẵng ra quân sản xuất trở lại liên tục 3 ca từ ngày mồng 5 tháng Giêng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong những ngày đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh ở Cảng Đà Nẵng đã nhộn nhịp trở lại, ông Trần Lê Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cảng Đà Nẵng cho biết, những ngày gần đây, Cảng Đà Nẵng đã đưa vào triển khai hệ thống E-tractor giúp truyền nhận tín hiệu công nghiệp cho xe đầu kéo vào dây chuyền khai thác container; triển khai hệ thống canh xe tự động eCPS (Chassis Position System), góp phần tăng năng suất khai thác tàu và bảo đảm an toàn lao động cho công nhân.

Bên cạnh việc không ngừng nâng cấp phương tiện thiết bị hiện có, Cảng Đà Nẵng đã triển khai thực hiện dự án đầu tư Trung tâm logistics Hòa Vang với diện tích 20ha cùng hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên và gấp rút hoàn thành dự án Bãi sau cầu 4, 5 để sớm đưa vào khai thác đầu năm 2024. Ngoài ra, Cảng Đà Nẵng đã và đang tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị, hệ thống logistics để hướng tới mục tiêu thực hiện dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Trong năm 2024, Cảng Đà Nẵng quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cao hơn 3% so với năm 2023; thu nhập bình quân của người lao động bảo đảm ổn định và tăng 7% so với năm 2023.

Theo Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tổ chức ra quân sản xuất đầu năm từ ngày 14 đến 17-2 (mồng 5-8 tháng Giêng), phổ biến hoạt động trở lại bình thường từ ngày 19-2 (mồng 10 tháng Giêng).

Còn theo Văn phòng UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động, kế hoạch ra quân sản xuất, kinh doanh sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn của doanh nghiệp và kịp thời động viên, hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo nghị quyết của HĐND thành phố đã ban hành; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng để khơi thông các nguồn lực và thu hút đầu tư; tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

HOÀNG HIỆP - NAM TRÂN - VĂN HOÀNG - THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.