Chỉ còn gần 10 ngày đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại nhiều chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố, sức mua của người dân tăng đáng kể, kéo theo giá một số mặt hàng có biến động nhẹ.
Người dân mua sắm Tết tại siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ
Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố như chợ Hòa Khánh, chợ Hòa An, chợ Cồn, chợ Hàn… giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng nhẹ từ 5-10% so với khoảng 1 tuần trước. Cụ thể, giá thịt heo mông, vai có giá bán 100.000 đồng/kg, thịt heo ba chỉ 130.000 đồng/kg; thịt bò 260.000 đồng/kg; chả heo loại 1 giá 200.000 đồng/kg; chả bò loại 1 giá 300.000 đồng/kg; cá thu cắt lát giá 300.000 đồng/kg; gà ta loại dùng để cúng giá 250.000 đồng/kg, còn gà ta loại thường chỉ có giá 190.000 đồng/kg, gà công nghiệp giá 80.000 đồng/kg… tăng đều từ 5.000-10.000 đồng/kg. Đối với các mặt hàng đặc trưng, phục vụ nhu cầu dịp Tết cũng tăng từ 10-15%; các loại trái cây nhập khẩu như táo, cam, quýt... tăng khoảng 20 - 30%.
Bà Lê Thị Thu Hương, tiểu thương hàng thịt tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) cho biết, bà nhập khoảng 500kg thịt heo các loại/ngày và bán hết trong ngày do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho Tết của người dân tăng cao. Đa phần, khách tới mua thịt heo ba chỉ và nạc đùi nên giá tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với đầu tháng. Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương bán giò chả tại chợ Hàn (quận Hải Châu) cũng cho biết, cận Tết, giá nguyên liệu và gia vị đều tăng, dẫn đến giá giò chả cũng tăng theo. Trong khi đó, nhóm đặc sản, đồ khô phục vụ biếu tặng ghi nhận mức tăng nhẹ từ 5-15% so với ngày bình thường.
Tại chợ Cồn, chị Nguyễn Thị Cẩm, chủ cửa hàng Hồng Nga cũng cho hay, giá các mặt hàng thực phẩm, đặc sản tăng trong dịp Tết là do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và các chi phí vận chuyển, kho bãi... Những mặt hàng tăng thường là nhóm sản phẩm được khách ưa chuộng như tôm tách vỏ sấy khô, mực khô, đồ rim các loại.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, khoảng 1 tuần nay, lượng khách tới chợ tăng 1,5-2 lần vào ngày thường và tăng từ 4-5 lần dịp cuối tuần. Nhiều mặt hàng thực phẩm có sự tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Ban Quản lý đang phối hợp với Công ty TNHH Đắc Vinh để triển khai thực hiện bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán đang đến gần. Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn Phan Thành Thoại cũng cho hay, từ ngày 24, 25-1 đến nay, lượng khách tăng nhẹ từ 20-25% so với ngày thường. Các mặt hàng vẫn giữ ở mức giá ổn định, chỉ tăng 1.000-2.000 đồng/sản phẩm đối với nhóm hàng gạo tẻ, đồ khô các loại.
Sức mua tăng nhưng chưa biến động mạnh như các năm trước. Dự kiến từ 24, 25 tháng Chạp, lượng khách tới chợ sẽ tăng mạnh. Ban quản lý đã triển khai thực hiện công tác chỉ đạo niêm yết giá tại 100% các cửa hàng tại chợ và phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Ban An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về giá cả, sản phẩm, an toàn thực phẩm; qua đó, bảo đảm phục vụ người dân mua sắm được tốt nhất.
Để tránh chờ đợi thanh toán lâu, nhiều người tranh thủ mua sắm vào các khung giờ sáng, trưa. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm Tết tại siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Sức mua tại siêu thị tăng mạnh
Trong khi đó, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, lượng khách ghé đến tham quan, mua sắm tại các siêu thị trên địa bàn thành phố rất nhộn nhịp, đông đúc, nhất là thời điểm buổi tối. Các quầy hàng tập trung khách nhiều nhất là bánh kẹo Tết (bán theo kg), bánh hộp, đồ khô, thực phẩm tươi sống, giò chả… Chị Phạm Bình, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết, cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng, kéo theo các vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng hóa kém chất lượng tràn lan. Vì vậy, gia đình chị ưu tiên mua sắm hàng hóa tại siêu thị để an tâm và bảo đảm sức khỏe. “Không khí Tết tại siêu thị rất rộn ràng nên người dân cũng vui vẻ mua sắm. Tôi rất yên tâm khi chọn lựa hàng hóa tại siêu thị bởi nguồn gốc xuất xứ, giá cả niêm yết rõ ràng, không phải lo lắng bị chặt chém. Dịp này, siêu thị khá đông nên chúng tôi phải chờ khoảng 15-20 phút để thanh toán”, chị Bình chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Phi (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho hay, so với chợ truyền thống, siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn dành cho khách hàng. Gia đình anh đã mua sắm một số hàng hóa từ trước để tránh lượng khách đông đúc, chờ đợi thanh toán lâu vào những ngày cận Tết. Đối với các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây… gia đình anh sẽ tranh thủ mua sắm trong tuần sát Tết. “Siêu thị đang giảm giá mạnh nhiều mặt hàng thực phẩm, nước giải khát nên chúng tôi quay lại để chọn mua. Năm nay, siêu thị vẫn là địa chỉ ưu tiên mua sắm hàng đầu của gia đình tôi”, anh Phi nói.
Mặc dù sức mua những ngày giáp Tết Nguyên đán tăng cao, song các doanh nghiệp, siêu thị vẫn giữ mức giá ổn định, bảo đảm cho người dân mua sắm Tết. Bà Cao Thị Chín, Quyền Giám đốc Siêu thị Go! Đà Nẵng, nhìn nhận sức mua và lượng khách đang tăng dần so với các tuần trước. Dự báo trong những ngày đến, sức mua sắm Tết của người dân sẽ tiếp tục tăng. Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, cho biết lượng khách ghé đến mua sắm tại siêu thị tăng khoảng 5% so với cùng kỳ.
19 điểm bán hàng bình ổn Sở Công Thương thông tin từ ngày 6 đến 8-2 (tức ngày 27-29 tháng Chạp), trên địa bàn thành phố có 19 điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm. Cụ thể, tại quận Hải Châu có 5 điểm tại số 407 Trưng Nữ Vương, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và số 36 Lương Nhữ Hộc; quận Thanh Khê có 4 điểm tại cửa hàng C.P Fresh Shop (139 Kỳ Đồng), 262 Cù Chính Lan, 178 Trần Cao Vân và chợ Phú Lộc; quận Ngũ Hành Sơn có 2 điểm tại chợ Bắc Mỹ An và chợ Non Nước; quận Sơn Trà có 2 điểm tại UBND phường Thọ Quang và cửa hàng C.P Fresh Shop tại số 33 Nguyễn Duy Hiệu; quận Liên Chiểu có 2 điểm tại chợ Hòa Khánh và chợ Nam Ô; quận Cẩm Lệ có 3 điểm tại chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa Cầm và chợ Hòa An; huyện Hòa Vang có 1 điểm tại cửa hàng C.P Fresh Shop tại khu phố chợ Túy Loan, đường Quảng Xương, xã Hòa Phong. |
VĂN HOÀNG - CHIẾN THẮNG