10 năm Đà Nẵng ươm mầm khởi nghiệp

Bài 2: Nhận diện rào cản khởi nghiệp

.

Những rào cản về nguồn vốn, chính sách cũng như chương trình đào tạo, tâm lý lo ngại thất bại... vẫn là “bài toán” mà thành phố Đà Nẵng cần hỗ trợ tháo gỡ để thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thành phố thực hiện nhiều ký kết quan trọng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng. Trong ảnh: Đại diện các đơn vị ký kết hợp tác thiết lập, phát triển mạng lưới tổ hợp và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Ảnh: V.H - M.Q
Thành phố thực hiện nhiều ký kết quan trọng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng. Trong ảnh: Đại diện các đơn vị ký kết hợp tác thiết lập, phát triển mạng lưới tổ hợp và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Ảnh: V.H - M.Q

“Nút thắt” về vốn

Được biết tới là một startup (dự án khởi nghiệp) thành công của Đà Nẵng khi kêu gọi được hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư quốc tế, xe máy điện Dat Bike cũng trải qua quãng thời gian không ít khó khăn khi mới khởi nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn. Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dat Bike Việt Nam (quận Sơn Trà) chia sẻ, đối với một startup, việc gặp khó trong thời gian đầu là dễ hiểu. Ngoài khó về vốn còn các vấn đề khác như tối ưu hóa nguồn lực, các chính sách bán hàng, tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện…

Bản thân Dat Bike đã có hàng trăm lần trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư khác nhau và không phải khi nào cũng thành công. May mắn công ty đã gặp được những nhà đầu tư cùng tầm nhìn và có mối quan tâm tới ngành công nghiệp xe điện. Mỗi một lần tiếp xúc và trình bày kế hoạch với các nhà đầu tư đều giúp Dat Bike có thêm nhiều góc nhìn và học hỏi để hoàn thiện sản phẩm, xây dựng cấu trúc doanh nghiệp, quản lý vận hành hiệu quả hơn.

Ra đời trong thời điểm Covid-19 tác động nặng nề và sau đó là các khó khăn của kinh tế thế giới, dự án “Beekids - Cùng con học tập” của Công ty CP Giáo dục công nghệ Dragold (quận Thanh Khê) cũng gặp “nút thắt” không nhỏ về vốn.

Ông Lê Trung, giám đốc công ty cho hay, tuy có những thành quả về sản phẩm và đội ngũ công nghệ nhưng dòng vốn thực sự là rào cản cho công ty suốt 4 năm qua, nhất là với lĩnh vực công nghệ giáo dục lại cần nguồn vốn lâu dài. Có những lúc công ty đặt vấn đề nên dừng lại hay không khi đối mặt với nhiều khó khăn và nghi ngờ về năng lực dòng vốn để thực hiện cho năm 2024. May mắn là hoạt động của công ty ngày càng tốt hơn, sản phẩm được đón nhận tích cực trên thị trường (trên 90% khi Beekids khảo sát tại các trung tâm). Hiện Beekids có 300.000 trẻ tham gia, 10.000 giáo viên tương tác dạy và học thường xuyên, hơn 10.000 bài học cá nhân hóa cho từng học sinh và hơn 25 lớp học thường xuyên mỗi tuần.

Không phải startup nào cũng vượt qua được khó khăn về vốn như Dat Bike hay Beekids, bởi thực tế tỷ lệ startup thành công chỉ khoảng 3-5% mà nguyên nhân chính là do cạn vốn. Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2023” do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố mới đây, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với năm trước. Còn trong 6 tháng năm 2023, số vốn chỉ dao động từ 350-400 triệu USD. Từ khi Covid-19 diễn ra tác động tới tất cả lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm cũng bắt đầu thận trọng hơn rất nhiều.

TS. Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhận định, tại Đà Nẵng, nguồn vốn khởi nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là vốn đầu tư mạo hiểm. Không riêng doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn mà bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, tình trạng thoái vốn, thiếu các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc giúp tạo ra các cơ chế để các startup phát triển hay các nhà đầu tư rót vốn… cũng trở thành những rào cản cho sự thành công của các startup hiện nay. Qua thống kê các năm cho thấy, quỹ ngoại luôn chiếm phần lớn trong đầu tư cho startup. Nguồn tiền của thị trường Việt Nam chủ yếu dành cho các kênh phổ biến như chứng khoán, vàng, bất động sản, không có nhiều nhà đầu tư hiểu thị trường để sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư cho startup.

Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ

TS. Võ Duy Khương cho rằng, ngoài vốn thì cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp chưa đồng bộ, chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ giai đoạn đầu. Các hoạt động kết nối hệ sinh thái, chia sẻ, cung cấp kiến thức, thông tin kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp còn hạn chế. Thậm chí, nhiều quỹ đầu tư phải thành lập pháp nhân tại Singapore để chủ động giải quyết các vấn đề liên quan về tài chính, ngân hàng; các công ty Việt Nam phải sang Singapore để thực hiện giao dịch khi nhận vốn đầu tư. Nếu mạng lưới nhà đầu tư không phát triển, nhà đầu tư không tham gia tích cực sẽ không có các “kỳ lân” khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp trưởng thành. Ngoài ra, tâm lý lo ngại thất bại của nhiều startup là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Chương, Quản lý Chương trình Swiss EP tại Đà Nẵng (Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ) nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng còn thiếu các dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu cho startup như tư vấn pháp luật, tài chính, marketing… Các kỹ năng khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thị trường quốc tế của nguồn nhân lực khởi nghiệp trên địa bàn thành phố còn hạn chế, cần được nâng cao.

Các địa phương khác cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra sự cạnh tranh lớn cho Đà Nẵng. Một vấn đề khác là nhận thức về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự tạo sức hút. Hiện các chương trình giáo dục, hoạt động thúc đẩy ý định khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên chưa đa dạng và phong phú. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên còn sơ sài, chưa phù hợp với thực tế và khó thành công.

Theo PGS.TS Tào Quang Bảng, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), việc “ươm mầm” đam mê khởi nghiệp của sinh viên là khởi sự của mọi vấn đề, vì vậy, cần nâng cao nhận thức của sinh viên về sự cần thiết của khởi nghiệp thông qua nhiều hoạt động. Hơn hết, khởi nghiệp là một phần không thể thiếu của nhà trường và rất quan trọng đối với sinh viên. Đây cũng là thang đo chất lượng giáo dục của các trường trong công tác đào tạo. Do đó cần đưa các nội dung đào tạo liên quan đến khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa, cụ thể: sự cần thiết của khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp, cách huy động các nguồn lực, lựa chọn ngành nghề khởi nghiệp, dự báo xu hướng khởi nghiệp… qua đó, tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn, giúp sinh viên nuôi dưỡng và thúc đẩy ý định khởi nghiệp.

Các trường cần phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc đơn vị đầu tư khởi nghiệp để làm cầu nối, trợ vốn cho sinh viên khởi nghiệp; trang bị kiến thức quản trị tài chính cá nhân, quản trị tài chính doanh nghiệp cho sinh viên. Chính phủ cần có nhiều chính sách hơn nữa để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên như vốn vay ưu đãi, các chương trình kết nối khởi nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động tuyên dương và tuyên truyền sâu rộng các gương khởi nghiệp xuất sắc… Việc huấn luyện, đào tạo giúp cho sinh viên biết khai thác, huy động, tích lũy các nguồn lực hết sức quan trọng trong tương lai.

MAI QUẾ - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.