Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2024, thành phố đặt chỉ tiêu doanh thu toàn ngành TT&TT tăng 8,9% so với năm 2023, trong đó, xuất khẩu phần mềm sẽ là sản phẩm chủ lực để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Do đó, thành phố và các doanh nghiệp phần mềm đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu đề ra.
Hoạt động thiết kế phần mềm tại Công ty TNHH FPT miền Trung tại Đà Nẵng. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Công ty CP Kaopiz Software chi nhánh Đà Nẵng sở hữu hệ sinh thái các sản phẩm, chương trình như: ứng dụng Kgo, ứng dụng tích hợp các tính năng hữu ích dành cho người lái ô-tô... và tập trung vào phát triển y tế sức khỏe, tự động hóa. Ông Nguyễn Trọng Giáp, Giám đốc Công ty CP Kaopiz Software cho biết, ông cũng như những doanh nghiệp công nghệ khác trên địa bàn đang gặp khó khăn vì lượng đơn hàng, dự án liên quan đến phần mềm đến từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản từ năm 2023 đến nay giảm rõ rệt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tín, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông & Công nghệ OneMore cho hay, doanh nghiệp ông gặp khó trong việc tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) khi đội ngũ trình độ cao, có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc quốc tế không mặn mà với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Trong khi lực lượng sinh viên mới ra trường chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, nâng cấp, bảo trì phần mềm đáp ứng tiêu chí quốc tế. Hiện nay, thành phố đã có một số khu vực tập trung các doanh nghiệp phần mềm như Khu Công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm số 1. Dù vậy, những địa điểm này đang gặp vấn đề khi Khu công nghệ thông tin nằm xa trung tâm, còn Công viên phần mềm số 1 đã đạt giới hạn doanh nghiệp hoạt động (độ phủ kín đạt 99% trong năm 2023).
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần gỡ vướng để doanh nghiệp công nghệ phần mềm sớm tham gia vào hệ sinh thái chung. Việc xây dựng không gian tập trung, liên kết cho các doanh nghiệp phần mềm là giải pháp thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nếu doanh nghiệp có thể tham gia vào không gian tập trung, liên kết sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Qua nhiều buổi gặp gỡ, lấy ý kiến doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở TT&TT đã tiếp nhận được nhiều ý kiến về việc mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển không gian sáng tạo tại Công viên phần mềm số 2 (được mong đợi sẽ giải quyết công việc cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về CNTT, sản phẩm công nghệ số). Tuy nhiên, công trình chưa thể đưa vào hoạt động do vướng mắc về thủ tục. Ngày 1-2-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1-11-2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, xác định rõ cơ chế, đặc thù trong việc xác định tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và quy định chi tiết về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do Nhà nước đầu tư, quản lý. Điều này mở ra cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ phần mềm trong nước và nước ngoài tại thành phố có thể tham gia vào hệ sinh thái tập trung mới, hiện đại và nhiều tiện ích. Song song đó, các doanh nghiệp phần mềm cần có những giải pháp, chiến lược cụ thể để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội như nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo; tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước; hợp tác với các doanh nghiệp khác, các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm; áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh chia sẻ, đến nay thành phố đã thực hiện hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hỗ trợ phục vụ khởi nghiệp, phát triển công nghiệp CNTT. Sở TT&TT tập trung giải pháp xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp, CNTT và triển khai kế hoạch quản trị hạ tầng dữ liệu thành phố. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành phần mềm Đà Nẵng có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
CHIẾN THẮNG