Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã và đang tạo động lực để Đà Nẵng phát triển các trụ cột kinh tế, trong đó có du lịch. Thành phố phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Để thu hút khách, ngành du lịch thành phố nghiên cứu các thị trường khách để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. TRONG ẢNH: Du khách tham gia các hoạt động thể thao biển. Ảnh: THU HÀ |
Ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động phát triển du lịch
Nghị quyết số 43-NQ/TW được xem là văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, có sự chỉ đạo cụ thể đã mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng lớn để Đà Nẵng phát triển. Với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và thực hiện nhiều đề án phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, ưu tiên các nguồn lực đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, hàng không, cảng du lịch,… cũng như các công viên, cảnh quan, khu ẩm thực, chợ đêm, các dự án cộng đồng vừa phục vụ người dân, vừa phục vụ phát triển du lịch và các lĩnh vực kinh tế.
Đà Nẵng đã ưu tiên các nguồn lực cho các hoạt động phát triển du lịch được huy động bao gồm ngân sách của thành phố (hỗ trợ các hoạt động tổ chức sự kiện, lễ hội, xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác, đào tạo…); vừa huy động được nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các hoạt động quảng bá thu hút du khách. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập và công bố Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố (tháng 5-2020) và đang nghiên cứu hình thành Quỹ Tổ chức sự kiện thành phố.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục là môi trường tiềm năng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở lĩnh vực du lịch quan tâm đầu tư. Tính đến tháng 12-2023, thành phố có 16 khu, điểm du lịch (tăng 9 khu, điểm so với năm 2010); 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, tăng 1.104 cơ sở và hơn 40.000 phòng so với năm 2010. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư, đưa vào hoạt động với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Các khu, điểm tham quan, du lịch, công viên chủ đề được các nhà đầu tư tập trung phát triển gắn với các dịch vụ đặc sắc.
Đặc biệt, Đà Nẵng đã tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững; phát triển du lịch theo 10 không gian du lịch chức năng: ven bờ đông, vịnh Đà Nẵng, đô thị trung tâm, sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng phía đông, sinh thái phía tây, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu về công tác nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cho thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm trụ cột
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, để khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của Đà Nẵng, ngành du lịch cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột, bao gồm: nhóm sản phẩm du lịch biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng); nhóm sản phẩm du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía tây thành phố. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đón bắt các luồng xu hướng khách, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau.
Ngành du lịch ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm du lịch trọng tâm để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ |
Theo ông Cao Trí Dũng, trong các nhóm sản phẩm du lịch nêu trên, du lịch MICE cần được xác định là nhóm sản phẩm trọng tâm bởi Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Đà Nẵng cần đăng cai tổ chức các sự kiện lớn đa ngành nghề trong và ngoài nước, chủ động tổ chức các cuộc thi thể thao, các buổi trình diễn âm nhạc của các ngôi sao nhằm thu hút du khách và qua đó quảng bá thương hiệu điểm đến ra thế giới. Đồng thời, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp và siêu sang nhằm thu hút nhu cầu tổ chức các sự kiện cá nhân tại Đà Nẵng. “Để đáp ứng yêu cầu và xu hướng của khách hàng, các sản phẩm du lịch cần được chuẩn hóa quy trình tổ chức phục vụ với định vị sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ nhằm đem lại tiện ích và trải nghiệm tối ưu dành cho khách hàng”, ông Cao Trí Dũng gợi ý.
Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát Nguyễn Minh Xoang nhìn nhận, Đà Nẵng có đầy đủ các yếu tố để tổ chức các sự kiện du lịch lớn mang tầm quốc tế. Việc thường xuyên được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, tìm kiếm là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng chính là cơ hội để du lịch Đà Nẵng phát triển. Ngành du lịch, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, có các giải pháp thu hút các thị trường khách bằng cách nghiên cứu đặc tính của mỗi thị trường khách để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. Đồng thời chú trọng hơn về công tác truyền thông làm sao để mỗi du khách đi du lịch về sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến. Thành phố nên hướng đến một số thị trường trọng điểm nhất định và tập trung giới thiệu liên tục cho du khách thấy tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm mà Đà Nẵng đang có, là điểm du khách nên lựa chọn cho chuyến đi.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, ngành du lịch thành phố tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được; tập trung triển khai theo các định hướng, giải pháp chính đã đề ra. Qua đó tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển các không gian du lịch chức năng, các nhóm sản phẩm để thu hút khách…
THU HÀ