Du lịch Đà Nẵng nỗ lực vươn tầm

.

Sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản chính là những điều kiện cần để du lịch Đà Nẵng ngày càng phát triển, từng bước khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Du khách xem chương trình biểu diễn tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills.  Ảnh: THU HÀ
Du khách xem chương trình biểu diễn tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Sự đổi thay ngoạn mục

Cách đây hơn 10 năm, Đà Nẵng là một thành phố còn non trẻ về phát triển du lịch. Những người làm du lịch xem đây là “điểm trung chuyển” để đưa/đón khách đến các di sản thế giới tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Qua thời gian, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền, thành phố đã xây dựng chính sách phù hợp và định hướng phát triển du lịch bền vững. Nhờ vậy, du lịch Đà Nẵng có được nền móng vững chắc với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chuyên nghiệp, trong đó thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vin Group, Mikazuki, BRG Group, Sovico Holdings...

Bên cạnh đó là sự có mặt của nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế hàng đầu thế giới như Intercontinenal, Hyatt, Sheraton, Marriotte, Pullman, Novotel, Mercure, Hilton đã góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố. Đến nay, thành phố có 16 khu, điểm du lịch, tăng 9 khu, điểm so với năm 2010; 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, tăng 1.104 cơ sở và hơn 40.000 phòng so với năm 2010; gần 5.700 hướng dẫn viên; 525 đơn vị kinh doanh lữ hành...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đánh giá du lịch Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt bậc. Thành phố có tài nguyên du lịch đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn như Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, bán đảo Sơn Trà, nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, các lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm như Đình làng Hải Châu, Đình làng Túy Loan, Lễ hội cầu Ngư, Lễ hội Quán Thế Âm…; các làng nghề truyền thống như Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Làng nghề nước mắm Nam Ô cùng văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú đã tạo nên một điểm đến Đà Nẵng rất riêng, giàu bản sắc.

Theo ông Dũng, một trong những điểm nhấn được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao đó là Đà Nẵng đã và đang chú trọng phát triển các cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp và thân thiện; quy hoạch đô thị hướng ra sông, ra biển, xen kẽ các khu vực đồi núi tạo nên một diện mạo vừa hiện đại vừa quyến rũ.

Thành phố đặc biệt tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch, không ngừng khai thác, kiến tạo ra những sản phẩm mới lạ và hấp dẫn. Đà Nẵng có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, cơ sở lưu trú hiện đại, sang trọng, các trung tâm hội nghị chuyên nghiệp, sức chứa lớn, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp đáp ứng đa dạng nhu cầu du khách. Đặc biệt, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện lễ hội lớn mang tầm quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race (2016); hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E (2016); Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (2016); Tuần lễ cấp cao APEC (2017); Diễn đàn phát triển đường bay châu Á - Routes (2022), Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng (2022) và Giải golf phát triển châu Á 2022 - BRG Open Golf Championship Danang năm 2022, năm 2023; hội chợ Du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022... đã góp phần đưa Đà Nẵng ngày càng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Khẳng định thương hiệu điểm đến Đà Nẵng

Có thể thấy, những nỗ lực của ngành du lịch thành phố trong những năm qua đã được “đền đáp” bằng một loạt những giải thưởng được các tổ chức, tạp chí quốc tế vinh danh, trong đó hai lần được Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading Festival and Event Destination) vào năm 2016 và năm 2022. Điều này không chỉ tiếp tục khẳng định uy tín và đẳng cấp của Đà Nẵng mà còn ghi danh Đà Nẵng, Việt Nam vào danh mục các điểm đến hiện đại, an toàn, thân thiện và mến khách, với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Ông Cao Trí Dũng cho rằng, hiện nay xu hướng của khách du lịch có nhiều thay đổi, do đó những người làm du lịch cần có sự thay đổi, thích nghi cho phù hợp. Cụ thể, khách có xu hương lựa chọn du lịch xanh với các điểm đến đa dạng sinh thái; du lịch trải nghiệm tìm hiểu sâu về văn hóa cộng đồng, du lịch kết hợp tham gia các sự kiện lớn về âm nhạc, thể thao, giải trí hay du lịch kết hợp với tổ chức các sự kiện cá nhân như tiệc cưới, lễ kỷ niệm... cũng ngày càng trở nên phổ biến và được yêu thích.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, với định hướng phát triển du lịch thành phố tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Đà Nẵng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, áp dụng những chính sách ưu đãi về thủ tục, nguồn lực đầu tư… đối với các sản phẩm du lịch mới, tiềm năng như du lịch MICE, golf, du lịch cưới.

Trong đó, ngày càng đa dạng hóa và nâng tầm sự kiện, lễ hội trải đều trong năm phục vụ cộng đồng, người dân và du khách. Ngành du lịch tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột, gồm: nhóm sản phẩm du lịch biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch MICE; nhóm sản phẩm du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía tây thành phố. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là cách để đón các luồng xu hướng khách; gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.