Nỗ lực bảo vệ đàn khỉ ở Sơn Trà

.

Đang vào mùa du lịch nên người dân và du khách tham quan bán đảo Sơn Trà mỗi ngày rất đông. Để ngăn chặn tình trạng nhiều đàn khỉ tràn xuống các khu vực để tìm kiếm thức ăn do con người ném, vứt…, các lực lượng chức năng và tình nguyện viên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức.  

Vẫn còn tình trạng du khách tham quan bán đảo Sơn Trà cho khỉ ăn.  Ảnh: DIỆP NHƯ
Vẫn còn tình trạng du khách tham quan bán đảo Sơn Trà cho khỉ ăn. Ảnh: DIỆP NHƯ

“Khi tham quan bán đảo Sơn Trà, các bạn không nên mang thức ăn cho khỉ và các loài động vật hoang dã khác ăn. Hành động này của bạn sẽ: làm mất dần bản năng kiếm ăn của các loài động vật hoang dã; nguồn thức ăn không phù hợp sẽ không bảo đảm sức khỏe cho các loài động vật hoang dã; tiếp xúc gần với các loài động vật hoang dã sẽ không bảo đảm an toàn cho bạn, bạn có thể bị chúng tấn công bất cứ lúc nào”.

Đây là nội dung khuyến cáo của UBND quận Sơn Trà được in trên các tấm bảng dựng cố định ở nhiều nơi trên suốt tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà mà bất cứ người dân, du khách nào cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, phớt lờ hàng chục biển cảnh báo của chính quyền địa phương, nhiều người vẫn cho khỉ ăn bừa bãi mỗi khi lên dạo chơi các khu vực như chùa Linh Ứng, khu nghỉ dưỡng Intercontinental, Miếu Đôi… Thói quen từ việc mang chuối, trái cây và bánh, kẹo… cho các đàn khỉ khiến chúng trở nên dạn dĩ tràn xuống tiếp cận khu vực có đông người để giành giật, tìm kiếm thức ăn.

Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, việc cho khỉ ăn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh trưởng và phát triển của động vật hoang dã tự nhiên, dần dần ảnh hưởng đến tập tính của đàn khỉ, vì nó cứ lệ thuộc vào thức ăn của con người cho. Khỉ ăn cũng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi đã có nhiều trường hợp khỉ tấn công người, cào xé để lấy thức ăn. Thời gian qua, ban quản lý phối hợp với nhiều đội, nhóm tình nguyện viên phân công bố trí lực lượng túc trực tại nhiều điểm để tuyên truyền, vận động người dân, du khách hiểu và thực hiện theo khuyến cáo. Một số nơi có đông du khách, nhân viên của tổ trật tự Ban quản lý thường xuyên có mặt để nhắc nhở các trường hợp hút thuốc hoặc mang, ném thức ăn để dụ khỉ ra xem…

Với sự tham gia tích cực của các lực lượng cộng đồng đã dần chuyển biến ý thức người dân, du khách. Cùng đứa con trai nhỏ dừng chụp ảnh tại trước khu vực bãi cỏ trước đoạn lên khu nghỉ dưỡng Intercontinental, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) chia sẻ, trước đây, mỗi lần cho con lên bán đảo Sơn Trà chơi, thấy mọi người hay ném thức ăn cho khỉ, con chị cũng đòi bằng được mẹ cho mang theo đồ ăn nhử bầy khỉ. Sau nhiều lần được các tình nguyện viên và đội bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm khuyến cáo, mẹ con chị đã hiểu và tuân thủ yêu cầu, qua đó không chỉ bản thân thay đổi mà còn giải thích cho những người tham quan khác.

Chị Cao Thị Kim Tuyết, một trong những tình nguyện viên tích cực hoạt động ở bán đảo Sơn Trà bày tỏ: “Nhiều lần các tình nguyện viên như tôi thấy khách mang đồ ăn thức uống ném cho khỉ đã tiếp cận kiên nhẫn giải thích lý do vì sao không nên cho khỉ ăn…; đồng thời cũng nhắc nhở thì bị phản ứng nói lời rất khó nghe. Biết là mình đang làm việc bao đồng, nhưng nếu ai cũng lờ đi việc này thì liệu vài năm tới môi trường tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ thói quen không tốt của con người. Chúng tôi mong tất cả mọi người cùng nâng cao nhận thức để thay đổi hành động này nhằm chung tay bảo vệ những động vật hoang dã tại Sơn Trà”, chị Tuyết nói.

Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ khi có sự xuất hiện của các tình nguyện viên và các lực lượng phối hợp thường xuyên bố trí người nhắc nhở du khách, tình trạng cho khỉ ăn đã giảm hơn trước rất nhiều. Trong thời gian tới, đặc biệt là cao điểm mùa du lịch Đà Nẵng, Ban quản lý sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của loài khỉ trên bán đảo Sơn Trà.

DIỆP NHƯ

;
;
.
.
.
.
.