Quản lý, khai thác bền vững nguồn vật liệu xây dựng

.

Hơn 20 năm qua, thành phố Đà Nẵng quản lý, khai thác đất đắp và san lấp mặt bằng, đá xây dựng... để xây dựng thành phố khang trang, hiện đại gắn với phát triển kinh tế. Tuy nhiên,  có tình trạng thiếu hụt cục bộ, tạm thời nguồn đất đắp và san lấp, đá xây dựng. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và thành phố đã, đang có những giải pháp gì để khai thác tiềm năng vật liệu xây dựng thông thường có hạn, nhất là trong năm 2024-2025, vừa bảo đảm môi trường, sinh thái ?

Thành phố rà soát và cẩn trọng trong việc nâng công suất, gia hạn, cấp phép khai thác các mỏ để vừa bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường, vừa bảo vệ môi trường, sinh thái. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố rà soát và cẩn trọng trong việc nâng công suất, gia hạn, cấp phép khai thác các mỏ để vừa bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường, vừa bảo vệ môi trường, sinh thái. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bài 1: Vì sao thiếu đất san lấp, đá xây dựng?

Sau thời gian dài khai thác để phục vụ nhu cầu xây lắp hạ tầng, phát triển đô thị, hiện nhiều mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tiềm năng có hạn đã kết thúc hoạt động khai thác; có năm cùng lúc có 10 mỏ đất, đá hết thời hạn khai thác theo giấy phép được cấp.

Rà soát, sử dụng hợp lý vật liệu xây dựng có hạn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khoáng sản có tiềm năng lớn nhất của Đà Nẵng là vật liệu xây dựng thông thường, nhưng cũng có hạn. Tổng trữ lượng khoáng sản đã được cấp phép khai thác để làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố tính đến hết tháng 5-2023 là gần 90 triệu m3, trong đó có hơn 49 triệu m3 đá xây dựng; 32,5 triệu m3 đất san lấp; 3,3 triệu m3 cát san lấp; 964.000m3 đất sét làm gạch, ngói... Nhiều mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã kết thúc hoạt động. Riêng trong năm 2020, cùng lúc có 9 mỏ đá với công suất khai thác gần 1 triệu m3/năm và 1 mỏ đất đồi có công suất 200.000m3/năm hết thời hạn khai thác theo giấy phép.

Cũng từ năm 2020, thành phố rà soát kỹ các mỏ khai thác khoáng sản; đồng thời, tập trung xây dựng nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu với các định hướng phát triển bền vững, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hướng đến đô thị sinh thái... Mặt khác, việc triển khai lập các quy hoạch phân khu kéo dài và tình hình thiên tai, sạt lở, lũ quét, mưa cực đoan trong những năm gần đây đòi hỏi phải có sự rà soát, nghiên cứu, tính toán, lựa chọn cao độ nền (cost) để cấp phép khai thác mới, gia hạn, nâng công suất, nâng  trữ lượng khai thác mỏ đất, đá hợp lý...

Đang thiếu mỗi năm khoảng 5,6 triệu m3 đất, đá

Từ năm 2021 đến tháng 3-2024, thêm một số mỏ đất, đá hết hạn khai thác. Thành phố đã chủ động cấp phép cho các đơn vị khai thác đất tầng phủ trên các mỏ đá và khai thác đất, đá dư thừa trong các dự án xây dựng công trình để điều phối nội bộ dự án hoặc vận chuyển đi phục vụ thi công dự án khác, nhưng nhiều giấy phép cũng đã hết hạn. Trong khi đó, năm 2022, thành phố đã cấp 2 giấy phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, nhưng do hai đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thỏa thuận đền bù được với các chủ đất nên không thể tiến hành thăm dò theo quy định.

Tính đến tháng 3-2024, trên địa bàn thành phố chỉ còn 1 mỏ đất đồi với công suất khai thác 200.000m3/năm và 9 mỏ đá xây dựng thông thường với công suất 851.500m3/năm đang được khai thác. Tuy nhiên, mỏ đất đồi nói trên chỉ còn thời hạn khai thác đến ngày 12-6-2024; 1 mỏ đá có công suất 70.000m3/năm chỉ còn khai thác đến tháng 5-2024; 8 mỏ đá còn lại còn thời hạn khai thác đến tháng 12-2025. Ngoài ra, có 3 dự án đang được khai thác đất thừa với tổng công suất 100.000m3/năm và 1 dự án đang được khai thác đá với công suất 19.000m3/năm, nhưng thời hạn giấy phép ngắn...

Hiện trên địa bàn thành phố có 3 mỏ đá và 2 mỏ đất san lấp được thăm dò và được UBND thành phố phê duyệt trữ lượng (cấp 112) hơn 2,2 triệu m3 đá và hơn 2,49 triệu m3 đất. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ cũng như công việc liên quan để được cấp phép khai thác rất khó khăn.

Ông Nguyễn Nho Chấn, đại diện Công ty TNHH Nguyễn Nho Chiến cho biết: “Khu vực mỏ đá Hốc Khế (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã được phê duyệt trữ lượng từ năm 2018. Một số hộ dân đã chiếm mặt bằng để trồng cây keo lá tràm; mặt bằng tại đây rất chật, hẹp, khó đưa phương tiện, máy móc vào để khai thác và chế biến đá. Hơn nữa, các phương tiện khai thác để không mấy năm nay đã bị hư hỏng, sửa chữa, đầu tư lại rất tốn kém... Nói chung là rất khó khăn để đưa mỏ vào khai thác”.

Bên cạnh đó, còn có 6 khu vực mỏ đang được các doanh nghiệp lập hồ sơ gia hạn và đợi xem xét gia hạn sau quy hoạch, trong đó có 5 mỏ đá xây dựng với tổng trữ lượng 4,91 triệu m3 đá và 1 mỏ đất đồi với trữ lượng 230.000m3 đất. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ, thủ tục kéo dài, dẫn đến chậm đưa một số mỏ vào khai thác, nhất là mỏ đất đồi. Điển hình là vào tháng 5-2022, do các nhà thầu không tìm được mỏ đất đắp cho các công trình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã đề nghị thành phố thống nhất kiến nghị của Công ty TNHH Đầu tư và khai thác khoáng sản Hòa Vang về việc lập hồ sơ khai thác đất đồi tại mỏ đất đồi ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) để cung cấp vật liệu đất san lấp cho các công trình trọng điểm, động lực do ban này làm chủ đầu tư, điều hành dự án.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và khai thác khoáng sản Hòa Vang Bùi Thị Tín bày tỏ: “Hiện nay, chúng tôi vẫn đang làm các thủ tục, hồ sơ để được thành phố xem xét cấp phép khai thác đất. Chúng tôi mong thành phố sớm cấp phép khai thác đất để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án, công trình trọng điểm của thành phố như đã cam kết”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu về đất san lấp tại các dự án trên địa bàn thành phố là hơn 4,5 triệu m3/năm và nhu cầu trung bình về đá xây dựng thông thường là 2,31 triệu m3/năm. Trong năm 2023, thành phố đã cấp mới 4 giấy phép khai thác đất, đá; gia hạn 2 giấy phép; cấp 2 bản xác nhận khu vực dự án xây dựng công trình đăng ký khai thác đất, đá dư thừa để điều phối; cấp 1 giấy phép thăm dò trữ lượng mỏ đất làm vật liệu san lấp; phê duyệt trữ lượng khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại 1 khu vực mỏ...

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường khai thác các mỏ, khai thác đất, đá dư thừa trong các dự án xây dựng công trình để điều phối, nhưng trong năm 2023, tổng sản lượng khai thác nguyên khối đất san lấp chỉ được 516.227m3 và khai thác đá chỉ được 1,241 triệu m3. “Sản lượng khai thác mỏ thực tế chưa đáp ứng đủ nguồn cung vật liệu cho các công trình, dự án trên địa bàn thành phố. Thành phố đang thiếu trung bình khoảng 1,443 triệu m3 đá/năm và 4,229 triệu m3 đất/năm”, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.