Quản lý, khai thác bền vững nguồn vật liệu xây dựng - Bài cuối: Đáp ứng đủ nhu cầu, không khai thác tận thu

.

Từ nay đến năm 2030 sẽ là thời kỳ triển khai mạnh các công trình, dự án trên địa bàn thành phố dẫn đến nhu cầu đá xây dựng tăng cao. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cân đối, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, công trình, nhất là các dự án động lực, trọng điểm triển khai trong giai đoạn 2023-2025.

Thành phố sẽ tổ chức đấu giá một số mỏ khai thác khoáng sản theo quy hoạch để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Các đấu giá viên kiểm phiếu đấu giá 1 mỏ đất trong năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố sẽ tổ chức đấu giá một số mỏ khai thác khoáng sản theo quy hoạch để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Các đấu giá viên kiểm phiếu đấu giá 1 mỏ đất trong năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, khoáng sản là loại tài nguyên không thể phục hồi nên quan điểm của lãnh đạo UBND thành phố là không thể tận thu triệt để bằng mọi giá để rồi trả giá đối với nguồn tài nguyên không thể tái tạo này trong tương lai, nếu không có sự tính toán và xác định chính xác nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trong từng giai đoạn, từng thời điểm.

Hiện nay, đối với công trình cần vật liệu xây dựng lớn, nhất là cảng Liên Chiểu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang có nguồn mua vật liệu xây dựng thông thường từ các tỉnh lân cận. Nếu tiếp tục được như vậy thì thành phố giữ được một số mỏ khoáng sản trên địa bàn thành phố, không nên được khai thác tận thu.

Quan điểm khai thác khoáng sản với tiềm năng có hạn để làm vật liệu xây dựng thông thường vừa đủ nhu cầu cung cấp cho các công trình, dự án động lực, trọng điểm triển khai trong giai đoạn 2023-2025, không khai thác tận thu cũng được Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh tại Công văn số 5577/UBND-ĐTĐT ngày 12-10-2023.

Theo đó, do nhu cầu tăng cao của một số dự án, đặc biệt là dự án cảng Liên Chiểu, gây nên tình trạng thiếu hụt “tạm thời” vật liệu xây dựng. Vì thế, việc xem xét các giải pháp (cấp phép mới, gia hạn, nâng công suất,... các mỏ khai thác) để cung cấp đủ vật liệu xây dựng cho các công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và tiết kiệm kinh phí là cần thiết. Tuy nhiên cần phải tính toán, cân nhắc kỹ các giải pháp (trong đó hạn chế việc cấp phép mới) để bảo đảm không xảy ra tình trạng thừa vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố khi các dự án nói trên đã đủ nhu cầu...

Tiếp đó, vào ngày 28-1-2024, Văn phòng UBND thành phố ban hành Thông báo số 34/TB-VP truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND thành phố thống nhất cơ bản chủ trương gia hạn, nâng cấp trữ lượng và nâng công suất các mỏ khai thác khoáng sản để bảo đảm nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, nhất là các công trình động lực, trọng điểm. Về điều kiện nâng công suất, nâng cấp trữ lượng và gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được thực hiện theo đúng quy định; không xem xét giải quyết hoặc thu hồi chủ trương nói trên đối với các trường hợp vi phạm trong quá trình hoạt động khai thác.

Ngày 28-3-2024, Văn phòng UBND thành phố ban hành Thông báo số 127/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 5577/UBND-ĐTĐT và Thông báo số 34/TB-VP nói trên liên quan đến việc nâng công suất các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025.

Trong đó lưu ý, chỉ xem xét nâng công suất đối với các mỏ đang còn thời gian khai thác, trữ lượng khai thác và cao độ các mỏ sau khi khai thác không được thấp hơn cao độ kết thúc khai thác theo ý kiến của Sở Xây dựng; nâng công suất không quá 50% công suất hiện tại của các mỏ; việc nâng công suất phải bảo đảm phù hợp về môi trường, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại khu vực khai thác và trên đường vận chuyển.

Sau khi triển khai các giải pháp nêu trên, nếu không đủ vật liệu cung cấp cho các dự án trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xem xét, việc đưa các khu vực nằm trong quy hoạch khai thác khoáng sản được phê duyệt để đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khai thác mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp tại thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh) và thôn Tùng Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Sở cũng đang xem xét hồ sơ, báo cáo ĐTM đánh giá tác động môi trường dự án Khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp tại thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn); dự án Khai thác khoáng sản khu vực mỏ đất số 3 làm vật liệu san lấp thuộc xã Hòa Liên và xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang)...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho hay, trong năm 2024, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố duy trì việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng thông thường đã được thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây. Để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án trọng điểm, động lực của thành phố, ngoài việc các đơn vị thu mua từ các nguồn sẵn có, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố gia hạn, nâng cấp trữ lượng đối với các mỏ đất, đá đang còn trữ lượng, nhưng đã hết thời hạn khai thác với cách tiếp cận cẩn trọng.

Đồng thời, cấp phép, điều phối đất, đá thừa tại các dự án trong nội bộ dự án hoặc cho dự án khác phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo đảm tiến độ thi công các dự án. Cùng với đó, tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản... để đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường cho thành phố trong giai đoạn tiếp theo.

Quy hoạch thăm dò, khai thác hơn 174,5 triệu m3 đất, đá đến năm 2050
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bản thành phố Đà Nẵng được tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023. Theo đó, đá xây dựng được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tại 14 khu vực với tổng diện tích 452,3ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là 87,324 triệu m3. Đất san lấp được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tại 16 khu vực với tổng diện tích 872ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là 87,24 triệu m3 đất. 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.