ĐNO - Chiều 22-4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 địa phương có biển về quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng.
Lãnh đạo thành phố tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Không phải hôm nay, mà ngay từ năm 2017, khi nhận được cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), chúng ta đã nhận thức được những tác động tiêu cực của việc này đối với ngành thủy sản.
Từ đó đến nay, chúng ta càng ngày càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn và hành động cũng mạnh mẽ, sát sườn và tích cực hơn. Đặc biệt là bây giờ phải có quyết tâm rất cao để gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC trong năm 2024 này”.
Thường trực Ban Bí thư chỉ ra 4 nhóm giải pháp chính trong công tác chống khai thác thủy sản IUU cần được rập trung triển khai gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế; theo dõi, kiểm tra, giám sát kỹ hoạt động của tàu cá và chủ tàu; chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật có hiệu quả. Đồng thời, cần tiếp thu những kinh nghiệm hay của Thái Lan, Philippines trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC.
Tuy nhiên, nếu việc thực hiện các giải pháp không đồng bộ hay chỉ cần một địa phương, một chủ tàu cá thực hiện không nghiêm túc thì việc còn tồn tại “thẻ vàng” sẽ còn gây ảnh hưởng đến nước ta, nhất là về kinh tế và sinh kế, cuộc sống của hàng triệu ngư dân, người lao động có liên quan và ảnh hưởng cả vị thế, uy tín của Việt Nam.
Do đó, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện mục tiêu nói trên. Điều này cần quyết tâm vượt qua các thách thức và bảo đảm thực thi nghiêm túc pháp luật về thủy sản...
Theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, việc đưa chủ trương nói trên của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan và của mỗi đội tàu cá, tổ hợp tác khai thác thủy sản, ngư dân, người lao động.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thường xuyên thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư về tình hình thực hiện chống khai thác thủy sản IUU và việc gỡ “thẻ vàng” của EC.
Cùng với đó, về lâu dài, nghề cá cần được quan tâm, tái cấu trúc theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; quan tâm tạo sinh kế phù hợp để nâng cao cuộc sống của ngư dân và người lao động; có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài...
Thường trực Ban Bí thư bày tỏ tin tưởng Chỉ thị số 32-CT/TW và chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện chỉ thị này sẽ đi vào cuộc sống, thiết thực gỡ bỏ được “thẻ vàng” của EC và ngành thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, ngư dân có cuộc sống tươi đẹp hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền về việc thực hiện chống khai thác thủy sản IUU và gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản của Việt Nam, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người có trách nhiệm, ngư dân, người lao động có liên quan.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định về xử phạt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc quản lý các đội tàu và kiểm soát hoạt động của các tàu cá; tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản IUU...
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo nội dung Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư, những năm qua, ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.
Tuy nhiên, phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC), chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thủy sản IUU. Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất thuỷ sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế...
Để đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.
Đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tại Đà Nẵng, trong quý 1-2024, thành phố đã tập trung triển khai công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn thành phố; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; làm việc với đoàn kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định về chống khai thác IUU của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)...
Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá đã tiếp nhận thông tin 1.278 lượt tàu cập cảng cá Thọ Quang và kiểm tra, giám sát, trong đó lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1 tàu khai thác sai vùng và chuyển Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định xử phạt với số tiền là 25 triệu đồng.
HOÀNG HIỆP