Xử lý kinh doanh, xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà

.

Quận Sơn Trà đã và đang triển khai xử lý các trường hợp xây dựng trái phép và bố trí lực lượng ngăn chặn tình trạng tái vi phạm tại các vị trí đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ quán, sạp, công trình... cũng như việc buôn bán hàng rong, kinh doanh du lịch tự phát, trái phép tại bán đảo Sơn Trà.

Các lực lượng huy động phương tiện cơ giới tháo dỡ nhà xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các lực lượng huy động phương tiện cơ giới tháo dỡ nhà xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Rào lối chính, phát sinh đường mòn, lối mở

Thời gian qua, sau khi các lực lượng chức năng của quận Sơn Trà và phường Thọ Quang cưỡng chế, tháo dỡ các dãy quán, sạp ngồi, công trình xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà; đồng thời địa phương đã đổ đất, dựng vật cản, lập rào chắn... để chặn các lối đi từ đường Hoàng Sa xuống các địa điểm, nhưng một số người vẫn mở các lối đi để dẫn khách xuống khu vực đã bị cưỡng chế.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng trong những ngày cuối tuần qua, trên đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà, có rất nhiều người đi xe máy chở theo các vật dụng, thức ăn... để cắm trại, vui chơi qua đêm tại các bãi biển. Đầu lối dẫn xuống khu vực bãi Rạn, có một người mời gọi khách để xe máy lại bên đường rồi đi bộ xuống trải nghiệm các dịch vụ. Tại nhánh đường xuống khu vực bãi Đa, dù chính quyền địa phương đã đổ đất để chặn đường và rào thép gai, nhưng nhiều người vẫn mở lối đi mới ở một bên và tháo gỡ dây thép gai để đi qua. Có một số người trông giữ xe tự phát tại đây, mỗi xe máy thu 10.000 đồng. Tại khu vực bãi Đa, trên nền 2 quán đã được cưỡng chế, tháo dỡ năm 2023 và dưới bãi biển, có rất nhiều người nghỉ, ăn uống, chụp ảnh...

Nhiều người trèo lên các tảng đá lớn và tắm biển khi sóng cao, dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các bãi biển tại bán đảo Sơn Trà đều tự phát nên không có lực lượng cứu hộ biển cũng như cắm biển cảnh báo, thả phao bảo vệ... Bên cạnh buôn bán nước uống, thức ăn..., một số người còn mời gọi khách trải nghiệm đi mô-tô nước, bè chuối được kéo bởi mô-tô nước, chèo thuyền sup, lặn ngắm san hô, câu cá... Các dịch vụ này không được cơ quan chức năng cấp phép và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho du khách. Đáng nói, khu vực này được đánh dấu đỏ để bảo vệ rạn san hô, nhưng hoạt động lặn ngắm san hô và các dịch vụ trải nghiệm dưới nước thường xuyên diễn ra trái phép gây ảnh hưởng các rạn san hô.

Theo UBND phường Thọ Quang, từ phản ánh của một số khách đến các khu vực ở bán đảo Sơn Trà về hoạt động thu tiền trông giữ xe máy và thu tiền xuống bãi biển, giữa tháng 4-2024, phường đã xác minh và yêu cầu 2 người đang cư trú tại tổ 29, phường Thọ Quang chấm dứt việc thu tiền giữ xe trái phép nói trên. Trước đây, phường đã yêu cầu một số hộ dừng kinh doanh du lịch tự phát, trái phép. Hiện Công an phường Thọ Quang đang phối hợp với tổ kiểm tra quy tắc đô thị của phường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bí thư Đảng ủy phường Thọ Quang Dương Thanh Hà cho hay: “Tại bán đảo Sơn Trà có phát sinh một số đường mòn, lối mở và kinh doanh tại một số hàng quán mà trước đây đã bị cưỡng chế. Phường đã huy động lực lượng rào chắn những đường mòn, lối mở này để hạn chế người dân, du khách đi dã ngoại, du lịch tự phát, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn cho khách. Cùng với đó, các lực lượng của phường cũng thường xuyên tuần tra nhắc nhở, xử lý. Tuy nhiên, do một số lối mòn được mở và nhiều người dân, du khách đến dã ngoại, cắm trại, du lịch tự phát nên địa phương rất khó quản lý. Ngoài ra phường tiếp tục kiểm tra, xử lý tình trạng trên và khuyến cáo người dân, du khách không sử dụng, trải nghiệm dịch vụ du lịch tự phát, trái phép; không đi xuống các khu vực đã bị cưỡng chế, tháo dỡ quán, công trình... để bảo đảm an toàn”.

Tập trung thực hiện kết luận thanh tra

Tuần qua, các lực lượng chức năng của quận Sơn Trà và phường Thọ Quang đã hỗ trợ người dân tháo dỡ 1 công trình được xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Đến nay, sau nhiều năm thực hiện Kết luận thanh tra số 792/KL-TTTP ngày 18-10-2016 của Thanh tra thành phố Đà Nẵng về các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng trên bán đảo Sơn Trà, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ, hỗ trợ tháo dỡ 300 lán trại, 37 nhà tạm, 39 nhà cấp 4 và 172 công trình khác thuộc 50/68 trường hợp xây dựng trái phép. Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà Nguyễn Trần Bang cho biết: “Quận đã xử lý được 50 trường hợp xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà. Đối với các trường hợp còn lại, quận gặp một số khó khăn, vướng mắc nên đang xin ý kiến của các sở, ban, ngành của thành phố”.

UBND quận Sơn Trà cũng đã báo cáo các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Kết luận thanh tra số 792/KL-TTTP và kiến nghị UBND thành phố gia hạn thời gian hoàn thành nhiệm vụ xử lý các trường hợp xây dựng trái phép còn lại trên bán đảo Sơn Trà trong quý 4-2024. Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà -
Ngũ Hành Sơn đã thống kê được 253 hồ sơ giao khoán trồng rừng trên bán đảo Sơn Trà, trong đó 173 hồ sơ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 01-CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ (thời hạn giao khoán là 50 năm), 24 hồ sơ theo Chương trình số 327-CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thời hạn giao 30 năm) và 56 hồ sơ khoán trồng rừng đã hết hạn.

UBND quận Sơn Trà đã giao Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế quận và UBND phường Thọ Quang rà soát, thu hồi, thanh lý hợp đồng giao khoán trồng rừng tại bán đảo Sơn Trà, nhất là thanh lý hợp đồng đối với các trường hợp đã hết thời hạn hợp đồng giao khoán hoặc vi phạm mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. UBND phường Thọ Quang phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc xây dựng tại khu vực bán đảo Sơn Trà để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.