Bố trí nguồn lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

.

Lũy kế đến ngày 15-4-2024, thành phố có 40.576 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 257.065 tỷ đồng, trong đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97%. Bố trí nguồn lực và đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố chú trọng.

Các kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Công ty CP Unitech (quận Hải Châu). Ảnh: M.Q
Các kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Công ty CP Unitech (quận Hải Châu). Ảnh: M.Q

Nhiều chính sách hỗ trợ được thực hiện

Đến nay, thành phố đã thực hiện 38 chính sách hỗ trợ từ Trung ương và ban hành 17 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó phần lớn chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31-3-2024 là 6.769 tỷ đồng với 612 lượt khách hàng, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng nâng quy mô thành 30.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, doanh số giải ngân lũy kế đến ngày 31-3-2024 đạt 11,55 tỷ đồng cho 2 lượt khách hàng vay vốn. Về hỗ trợ lãi suất với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 của HĐND thành phố, Sở Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố hỗ trợ 6,11 tỷ đồng cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng (2 tỷ đồng) và Công ty CP Vận tải và Thuê tàu Đà Nẵng (4,11 tỷ đồng) trong năm 2024.

Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ năm 2020 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 27 lượt nhiệm vụ với tổng kinh phí gần 5,1 tỷ đồng theo Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Từ hỗ trợ trên, thành phố có 169 dự án và 69 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập; trong đó có các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, gọi được vốn hàng triệu USD như Datbike, Selly, Hekate, EM and AI... Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ thông qua các chương trình ươm tạo, chính sách hỗ trợ của thành phố đã thương mại hóa sản phẩm tiếp cận thị trường.

Thành phố đã hỗ trợ 72 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng từ năm 2017 đến nay theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài các hỗ trợ về tiếp cận vốn, lãi suất và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác về khuyến công, xúc tiến thương mại; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển khai thác hải sản; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Sẽ có nhiều hỗ trợ phù hợp hơn

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cho rằng, có nhiều chính sách thiết thực như khuyến công và xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn vướng chính sách về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cũng như vốn vay. Nguyên nhân chính là chính sách hỗ trợ có nhiều tiêu chí, điều kiện cao hay không có hướng dẫn cụ thể triển khai như thế nào. Ông Bình đề xuất thành phố cần xem xét chính sách hỗ trợ nào chưa hiệu quả, không có doanh nghiệp tiếp cận thì nên điều chỉnh hoặc sớm thay thế để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn. Về phía doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện, tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bà Phan Như Yến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng bày tỏ, một số chính sách hỗ trợ yêu cầu nhiều điều kiện, trong khi nội lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu thì việc khó tiếp cận là điều dễ hiểu; hoặc doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nhưng chính sách lại yêu cầu nhiều thủ tục rườm rà nên doanh nghiệp cũng không tiếp cận. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền để doanh nghiệp biết tới chính sách vẫn còn hạn chế. “Không phải cứ hỗ trợ bằng tiền mới là điều doanh nghiệp cần. Thời gian qua, thành phố tổ chức các chương trình đào tạo chuyển đổi số, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo tôi, đây là các hoat động rất thiết thực, bản thân doanh nghiệp của tôi cũng được nâng cấp, tiếp cận chuyển đổi số sau khi tham gia các khóa học, đào tạo. Vì vậy, các sở, ban, ngành có thể tăng cường hỗ trợ về nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường”, bà Yến nói.

Để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 29-3-2024 về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2024-2026 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ phấn đấu có 4.300 doanh nghiệp mới được thành lập và 13.500 doanh nghiệp trong cả giai đoạn. Trong năm 2024, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn 4,2 tỷ đồng để khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhằm tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm và thị trường cung cấp nguyên, vật liệu cho các ngành chế biến, chế tạo; hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù về phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, phát triển công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.