"Dân vận khéo" xây dựng sản phẩm OCOP

.

Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố có 98 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Để đạt được kết quả này, các cấp, các ngành, địa phương của thành phố đã nỗ lực vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp triển khai phong trào khởi nghiệp, phát triển thương hiệu của địa phương.

Sản phẩm cá nục hấp của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát Khang được khách yêu thích. Ảnh: X.H
Sản phẩm cá nục hấp của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát Khang được khách yêu thích. Ảnh: X.H

Khẳng định giá trị sản phẩm

Gần 9 năm qua, sản phẩm cá nục của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát Khang (quận Cẩm Lệ) được nhiều người dân, du khách đánh giá cao về hương vị và chất lượng. Sản phẩm với nguyên liệu chính là cá nục tươi ngon được đánh bắt tại vùng biển quê hương, kết hợp với các gia vị như tỏi Lý Sơn, nước mắm Nam Ô,… được chế biến, đóng gói cẩn thận giữa nguyên hương vị truyền thống.

Theo chị Lê Thị Hồng, Giám đốc điều hành Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hồng Phát Khang, cá nục là món ăn quen thuộc của nhiều người dân, có rất nhiều Omega-3 và luôn có quanh năm. Vì vậy chị quyết tâm thực hiện nâng tầm giá trị của món ăn này.

Hiện nay, sản phẩm đã kết nối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và có mặt trên kệ của tất cả hệ thống siêu thị WinMart trong cả nước. “Mong muốn của tôi là sản phẩm được tiếp cận đến nhiều hệ thống siêu thị hơn nữa để những người dân chưa có dịp đến Đà Nẵng được thưởng thức. Đồng thời, có thể xuất khẩu đi nước ngoài phục vụ những người con xa quê ”, chị Hồng chia sẻ.

Trong khi đó, cuối năm 2022, sản phẩm khô bò nhãn hiệu Kinbe và tép lắc bơ của Công ty CP Công nghệ Davifood Việt Nam (quận Ngũ Hành Sơn) chính thức được đưa vào thị trường. Chị Trần Thị Việt Liên, Giám đốc kinh doanh công ty chia sẻ, sản phẩm khô bò được chế biến bằng cách kết hợp thịt bò với trái cây nguồn gốc tự nhiên tạo hương vị đặc biệt, đặc trưng ẩm thực Đà Nẵng là sự lựa chọn cho du khách khi mua làm quà.

Luôn đặt chất lượng và uy tín lên hàng đầu, Công ty CP Công nghệ Davifood Việt Nam đầu tư máy móc, lắp đặt hệ thống sản xuất hiện đại, chinh phục người dân và du khách với thương hiệu khô bò nhãn hiệu Kinbe và tép lắc bơ được bán tại gần 50% siêu thị, cửa hàng quà tặng trên địa bàn thành phố, tiếp cận các siêu thị đặc sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế và lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Gần đây nhất, tham gia chương trình kết nối của Sở Công Thương với các nước trên thế giới, khô bò nhãn hiệu Kinbe đã được các chuyên gia nhập khẩu Trung Quốc lựa chọn để đặt hàng.

“Tôi rất hạnh phúc khi đạt được giải thưởng OCOP 4 sao của UBND thành phố. Giải thưởng là niềm động viên, khẳng định giá trị, chất lượng thương hiệu của mình được chính quyền công nhận và niềm tin của khách hàng cũng được tăng lên nhiều hơn”, chị Liên chia sẻ.

Quan tâm tạo điều kiện về chính sách

Cũng theo chị Liên, để đạt được thành công của thương hiệu khô bò Kinbe không thể không kể đến những sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành và quận Ngũ Hành Sơn đề xuất Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp có được chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm). Đây là điều kiện tiên quyết, bên cạnh chất lượng để giúp sản phẩm được chứng nhận 4 sao OCOP.

Tại huyện Hòa Vang, thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025, huyện có 33 sản phẩm được chứng nhận OCOP gồm 21 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đang đề nghị tham gia đánh giá 5 sao. Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thị Lý cho biết, huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP trình Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP thành phố thẩm định.

Thông qua việc đánh giá, huyện sẽ có những đề xuất về hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện xây dựng các quy trình, thủ tục để các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thương hiệu. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân về Chương trình OCOP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thị Bích Hậu cho biết, đến nay, thành phố có 98 sản phẩm được đánh giá, công nhận, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 43 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao. Để đạt được kết quả đó, các cơ quan thường trực chương trình OCOP từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố luôn nỗ lực thực hiện tốt chức năng tham mưu, triển khai các chương trình hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, hỗ trợ quảng bá, kết nối giữa chủ thể OCOP với các cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến Trung ương.

Thời gian đến, thành phố tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng theo chu trình OCOP, đối với các sản phẩm đạt 3 sao hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, đổi mới công nghệ, quy trình kỹ thuật; quản lý chất lượng, bao bì, nhãn mác theo quy định, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đối với sản phẩm OCOP 4 sao, bên cạnh việc hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm, nghiên cứu lựa chọn sản phẩm tiềm năng 5 sao để tập trung chuẩn hóa, nâng cấp tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Trung ương. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.