Để bảo đảm nguồn cung cấp điện cho Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhiều công trình lưới điện truyền tải quan trọng trên địa bàn thành phố.
Khoảng cột cuối cùng của đường dây 220kV Hòa Khánh - Hải Châu đã hoàn thành việc kéo dây. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Dự án Trạm biến áp (TBA) 220kV Hải Châu và đường dây điện 220kV Hòa Khánh - Hải Châu do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư được triển khai đầu tư vào năm 2018 với yêu cầu cấp bách về tiến độ thi công để hoàn thành trong quý 1-2020. Nhưng do gặp nhiều vướng mắc kéo dài, đến ngày 10-5-2024, các nhà thầu mới hoàn thành kéo dây lên khoảng cột cuối cùng cũng như hoàn thành thi công tuyến đường dây điện 220kV Hòa Khánh- Hải Châu). Tương tự, TBA 220kV Hải Châu cũng đã thi công cơ bản hoàn thành.
Để khai thác nguồn điện từ TBA 220kV Hải Châu (đóng điện từ TBA 220kV Hòa Khánh về), Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đang khẩn trương thi công tuyến đường dây cáp ngầm 110kV Hải Châu - Chi Lăng (đấu nối với TBA 110kV Chi Lăng), dự kiến đóng điện trước ngày 30-6-2024. Trong khi đó, dự án TBA 110kV Thuận Phước khai thác nguồn điện từ TBA 220kV Hải Châu lại chưa được triển khai thi công để cấp điện cho trung tâm thành phố do gặp vướng mắc liên quan đến đất đai. Tương tự, dự án TBA 110kV Khuê Trung (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) có chủ trương đầu tư từ cách đây gần 3 năm nhằm bảo đảm cấp điện cho khu vực phường Khuê Trung và lân cận, nhưng đến nay vẫn chưa được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thi công.
Phó Tổng Giám đốc EVNCPC Lê Hữu Danh cho rằng, với tốc độ phát triển phụ tải ở Đà Nẵng, mỗi năm phải đầu tư 1-2 TBA 110kV trên địa bàn thành phố. Đặc điểm của lưới điện 110kV ở Đà Nẵng có những vùng “lõm”, thiếu, không đầu tư kịp, chẳng hạn như dự án TBA 110kV Khuê Trung, TBA 110kV Thuận Phước... Đặc thù của việc đầu tư lưới điện và TBA 110kV trên địa bàn thành phố khác với các địa phương ở miền Trung là có chi phí đầu tư lớn vì đa số đường dây đi ngầm và trạm TBA kiểu GIS, quỹ đất thì khó khăn...
Đã 3 năm trôi qua, kể từ khi TBA 110kV Hòa Phong đưa vào vận hành vào năm 2021 đến nay, Đà Nẵng chưa có thêm TBA 110kV nào được đưa vào vận hành. Hiện EVNCPC triển khai các thủ tục để chuẩn bị thi công đường dây cáp ngầm 110kV mạch 2 An Đồn - Quận 3 để nâng cao khả năng cấp điện cho khu vực đang phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch ở ven biển thuộc quận Sơn Trà. “EVNCPC mong thành phố tiếp tục quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng cũng như thi công các công trình điện”, ông Lê Hữu Danh đề nghị.
Theo ông Võ Hoài Nam, thành viên Hội đồng thành viên EVNNPT, đơn vị cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đường dây 220kV Hải Châu - Ngũ Hành Sơn (dài tổng cộng khoảng 15km), đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho EVNNPT; xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cải tạo sơ đồ điện TBA 500kV Đà Nẵng để EVNNPT triển khai các bước thủ tục tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đầu tư nhiều dự án lưới điện truyền tải điện đến năm 2030 Theo Quy hoạch điện VIII, ngoài dự án TBA 220kV Hải Châu và đường dây điện 220kV Hòa Khánh - Hải Châu được triển khai trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ được phát triển nhiều dự án lưới điện truyền tải trong giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, đối với lưới điện truyền tải siêu cao áp 500kV, sẽ triển khai dự án nâng công suất TBA 500kV Đà Nẵng lên 1.800MVA và đường dây 500kV mạch 2 từ TBA 500kV Đà Nẵng đến TBA 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) với chiều dài 100km. Đối với lưới điện 220kV, sẽ triển khai các TBA 220kV Liên Chiểu, TBA 220kV Sân bay Đà Nẵng, TBA 220kV Tiên Sa (An Đồn). Cùng với đó, triển khai đường dây điện 220kV từ TBA 220kV Hải Châu đến TBA 220kV Ngũ Hành Sơn (10km), đường dây 220kV từ TBA 220kV Liên Chiểu đến nhánh rẽ Hòa Khánh - Huế (3km) , đường dây 220kV từ TBA 220kV sân bay Đà Nẵng đến nhánh rẽ Hòa Khánh - Đà Nẵng (5km), đường dây 220kV từ TBA 220kV Tiên Sa đến nhánh rẽ Hải Châu - Ngũ Hành Sơn (4km). |
HOÀNG HIỆP